BS.CKI Nguyễn Hữu Công, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có tới 80 triệu vi khuẩn và khoảng 700 chủng khác nhau được truyền qua một nụ hôn 10 giây. Trong đó, 95% là vi khuẩn, virus vô hại, khoảng 5% là tác nhân có thể gây bệnh. Nước bọt có tác dụng làm sạch tự nhiên nhờ chứa các chất diệt khuẩn, kháng thể và protein kháng khuẩn như lysozyme. Tuy nhiên, khi sức đề kháng tự nhiên trong miệng giảm, hôn cũng gây ra rủi ro lây nhiễm nhiều bệnh như thủy đậu, viêm nha chu, viêm nướu, bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (STI)...
Dưới đây là một số bệnh tình dục có thể lây qua nụ hôn.
Giang mai
Hôn có thể truyền nhiễm bệnh giang mai, nếu người bệnh có các vết loét ở môi, miệng và họng. Bệnh do vi khuẩn Treponema pallidum có hình dạng như lò xo có 6-14 vòng xoắn gây ra. Giang mai nguy hiểm do thường không bộc lộ triệu chứng trong nhiều năm. Nếu không điều trị đúng cách có thể tổn thương tim, não...
Virus ủ bệnh trong khoảng 10-90 ngày. Bệnh được chia thành giai đoạn sớm và muộn. Ở giai đoạn sớm, xoắn khuẩn có khả năng nhân lên nhanh chóng và nồng độ đạt được cao nhất trong máu. Chúng tập trung số lượng lớn trên da và niêm mạc. Khi hôn sâu và mạnh, miệng có thể bị trầy xước, các xoắn khuẩn giang mai xâm nhập lây nhiễm cho người khỏe mạnh.
Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là những vết loét tròn, chắc, không đau, không ngứa, có thể tự lành trong khoảng 3-6 tuần mà không cần điều trị. Sau một thời gian, người bệnh có thể bị phát ban, sốt, đau đầu, đau nhức khớp, sưng hạch bạch huyết, chán ăn, giảm cân, cơ thể suy nhược. Một số trường hợp có thể có dấu hiệu thần kinh như điếc một bên, liệt thần kinh mắt, viêm màng bồ đào, viêm màng não.
Bác sĩ Công cho biết bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi nếu người mẹ mắc bệnh ở giai đoạn sớm. Thai nhi có nguy cơ sảy, sinh non hoặc chết lưu. Bệnh có thể gây ra dị tật bẩm sinh như bệnh tim, mù lòa, điếc, khuyết tật trí tuệ, suy dinh dưỡng, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng xương. Trẻ sinh ra có thể chậm phát triển thể chất, tinh thần. Nếu bị tổn thương não, trẻ còn gặp bất thường về hành vi. Trường hợp không điều trị, bé có thể tử vong trong vài năm đầu đời.
Nhiễm trùng virus Herpes
Virus Herpes (HSV) thường gây ra tình trạng mụn rộp, mụn nước ở miệng, não, mắt, bộ phận sinh dục. Virus có hai loại gồm HSV-1 gây mụn loét ở miệng và HSV-2 là lở loét bộ phận sinh dục. "Cả hai loại virus đều gây nhiễm trùng suốt đời do chưa có thuốc điều trị triệt để", bác sĩ Công nói. Bệnh có thể lây lan từ người bệnh sang người lành khi hôn, ngay cả khi mụn nước hay vết phồng rộp đã lành. Thời gian ủ bệnh 2-12 ngày.
Khi nhiễm virus, một vài vùng da quanh môi, miệng người bệnh thường ngứa, nóng rát, đau, phỏng đỏ và hình thành từng chùm mụn nước. Xung quanh hoặc bên trong khoang miệng có vết loét. Sau vài ngày, mụn nước vỡ, dịch chảy ra ngoài tạo ra vết loét và tự lành lại. Trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch yếu hoặc bội nhiễm, bệnh kéo dài, tiến triển nặng.
Nếu nhiễm virus gây lở loét ở bộ phận sinh dục, người bệnh có thể sốt, đau nhức toàn thân, sưng hạch bạch huyết. Vết loét có thể lan dần xuống hậu môn khi không biết vệ sinh, kiêng khem đúng cách. Nữ giới nhiễm HSV khi mang thai có thể truyền bệnh cho thai nhi. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy như tổn thương não bộ, rối loạn chức năng ở gan, thận, khó thở hoặc rối loạn hô hấp, nhiễm trùng da toàn thân.
Sùi mào gà
Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm do Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Người bệnh sùi mào gà trong máu, dịch âm hộ, tinh dịch hay nước bọt đều có sự xuất hiện của virus.
Cách lây truyền virus phổ biến nhất là tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc bằng miệng hoặc nước bọt người bệnh. Nếu hôn người khỏe mạnh có các vết xước ở miệng hoặc bị chảy máu chân răng, virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua tuyến nước bọt, gây bệnh sùi mào gà ở miệng, lưỡi.
Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài khoảng ba tháng. Tỷ lệ người có biểu hiện triệu chứng thấp, chỉ khoảng 1-2% trường hợp, theo bác sĩ Công. Nhiều trường hợp không phát hiện bệnh, vô tình lây truyền virus cho người khác.
Vào giai đoạn khởi phát, người bệnh thường xuất hiện nốt sang thương nhỏ, màu nhạt, nằm rải rác trong miệng, bộ phận sinh dục. Chúng gây cảm giác khó chịu, ngứa, đau và chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
HPV lây qua đường miệng có thể gây ung thư vòm họng, thành sau họng, đáy lưỡi và amidan. Trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh cũng có nguy cơ bị u nhú thanh quản, tuy ít gặp. Virus cũng dễ làm biến dạng dương vật, tắc nghẽn ống dẫn tinh, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, tắc niệu đạo, ung thư cổ tử cung... ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả hai giới.
Nhiễm virus cự bào CMV
Virus cự bào (Cytomegalovirus - CMV) có thể lây truyền khi tiếp xúc với tinh dịch, nước tiểu, máu, nước mắt, sữa mẹ và nước bọt của người có triệu chứng. Khi hôn môi mà miệng đang bị tổn thương, có vết loét, rất dễ nhiễm bệnh. Đây là bệnh nhiễm trùng suốt đời, virus có thể tái hoạt động. Ở người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch thường ngăn ngừa CMV gây nhiễm trùng hoặc bệnh nặng. Hầu hết người nhiễm virus không phát hiện mắc bệnh.
Một số ít trường hợp sau nhiễm virus khoảng 3-12 tuần xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết. Người bị suy giảm miễn dịch nhiễm CMV có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến phổi, gan, mắt, thực quản, dạ dày và ruột. Trẻ sinh ra bị nhiễm CMV có thể bị suy giảm khả năng tăng trưởng, giảm thính lực, vấn đề ảnh hưởng đến não, gan, lá lách, phổi.
Để giảm nguy cơ lây truyền bệnh khi hôn, bác sĩ Công khuyến cáo duy trì vệ sinh cơ thể, răng miệng đúng cách, sạch sẽ. Tránh hôn khi đối tác bị bệnh hoặc có dấu hiệu của bệnh như mụn rộp, mụn cóc, có vết loét quanh môi, miệng. Thường xuyên kiểm tra cơ thể để kịp thời nhận ra vết trầy, xước và các vết thương hở. Quan hệ tình dục an toàn, một vợ một chồng. Tiêm vaccine phòng HPV, viêm gan B... cũng là cách dự phòng bệnh lây qua đường tình dục an toàn, hiệu quả cao. Người có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế khám sớm.
Trịnh Mai