Đây là biến chứng của tình trạng trẻ bị nhiễm trùng CMV (Cytomegalovirus - virus thuộc nhóm Herpes) từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ, theo ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Chị Hằng (mẹ bé, 33 tuổi) mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại bệnh viện Tâm Anh, sau 10 năm hiếm muộn. Siêu âm ở tuần 31 ghi nhận thai chậm tăng trưởng, nghi ngờ nhiễm trùng bào thai. Kết quả chọc ối lúc thai 32 tuần dương tính với virus CMV, chụp MRI phát hiện thai nhi có nốt vôi ở não, lách to. Sau khi bác sĩ giải thích thai nhi có hội chứng CMV bẩm sinh mức độ tổn thương trung bình - nặng, hai vợ chồng có nguyện vọng tiếp tục theo dõi thai kỳ, chờ ngày sinh.
Bác sĩ Lụa cho biết nhiễm trùng CMV có thể gây biến chứng nặng nề, sẩy thai, thai chết lưu, dị tật sơ sinh. Bé dễ tử vong sau sinh do tổn thương gan, hệ thần kinh trung ương. Thai phụ nhiễm virus CMV, khả năng thai nhi nhiễm virus do truyền qua nhau hơn 30%. Mẹ nhiễm CMV sớm (nhất là ba tháng đầu thai kỳ), trẻ có nguy cơ cao dị tật não, đầu nhỏ hoặc mù, điếc bẩm sinh.
Trường hợp chị Hằng nhiễm virus CMV không triệu chứng, virus âm thầm truyền qua nhau thai, khiến bào thai nhiễm trùng. Chị được bác sĩ chỉ định uống thuốc kháng virus đến khi sinh. Theo bác sĩ Lụa, điều trị cho thai phụ bằng thuốc kháng virus có thể cải thiện một phần kết quả điều trị ở trẻ nhiễm CMV bẩm sinh.
Đầu tháng 8, thai 38 tuần, chị Hằng được kích thích chuyển dạ. Các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa phối hợp Trung tâm Sơ sinh đón bé chào đời nặng 2,4 kg, tự thở nhưng vàng da và nổi ban xuất huyết nặng toàn thân với những dấu hiệu cảnh báo biến chứng do nhiễm trùng CMV. Bác sĩ chăm sóc sơ sinh, dùng thuốc kháng virus điều trị cho bé.
Virus CMV có tốc độ nhân lên chậm, thời gian ủ bệnh thường từ vài tuần đến vài tháng sau đó xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Nhiều cơ quan trong bào thai bị virus tấn công dẫn đến bất thường bẩm sinh như điếc, mù bẩm sinh và chậm chậm phát triển trí tuệ.
Bé trai con chị Hằng may mắn có võng mạc bình thường, thính lực tai phải đáp ứng âm thanh, tai trái không đo được. Sau hai tuần điều trị, bé bớt vàng da, không còn nổi ban xuất huyết, tiểu cầu dần tăng lên, bú tốt. Bé xuất viện, uống thuốc kháng virus trong 6 tháng.
ThS.BS Trịnh Thanh Lan, Trung tâm Sơ sinh, cho biết theo một số nghiên cứu việc sử dụng thuốc kháng virus trong 6 tháng có thể làm cải thiện thính lực so với phác đồ 6 tuần. Tuy nhiên, bác sĩ cần điều chỉnh liều lượng vì thuốc có tác dụng phụ làm giảm bạch cầu, từ đó giảm sức đề kháng của trẻ. Đồng thời theo dõi sự phát triển tâm thần vận động, thính lực của trẻ để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Nhiễm CMV phổ biến ở trẻ em, người lớn, thường không có triệu chứng. Bác sĩ Lụa dẫn một số nghiên cứu, tỷ lệ huyết thanh dương tính với CMV có thể lên tới trên 50% dân số trưởng thành (trên 40 tuổi). Khoảng 1/200 trẻ sinh ra bị nhiễm CMV bẩm sinh. Khoảng 1/5 trẻ sơ sinh bị nhiễm CMV bẩm sinh gặp các vấn đề sức khỏe lâu dài. Thai phụ nhiễm CMV trong thai kỳ có nguy cơ lây truyền cho thai nhi như trường hợp chị Hằng.
Bác sĩ Lụa cho biết virus CMV là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng bẩm sinh trên toàn cầu. Trẻ nhiễm CMV tỷ lệ tử vong 7-12% trong giai đoạn sơ sinh. Tại Mỹ, ước tính có 20.000-30.000 trẻ sinh ra mỗi năm mắc virus CMV bẩm sinh. Tại Việt Nam chưa có thống kê tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh. Năm 2020, Quảng Ninh ghi nhận trường hợp bé trai chào đời tử vong sau 11 giờ do nhiễm virus này từ mẹ.
CMV lây từ người sang người qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh như máu, nước bọt, nước tiểu, sữa, tinh dịch. Môi trường và vệ sinh cá nhân kém là điều kiện thuận lợi để lây truyền virus. Virus bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút, bị tiêu diệt bằng tia cực tím, chất sát khuẩn thông thường.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do CMV. Bác sĩ khuyến cáo thai phụ giữ vệ sinh, rửa tay sạch khi tiếp xúc nước tiểu, chất tiết đường miệng, đường hô hấp trẻ.
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |