ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên ngày 28/3.
"Khoảng 35% người Việt mắc bệnh thoái hóa cột sống, trong đó 30% tuổi 25-45", bác sĩ nói, thêm rằng các bệnh cột sống có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, trong khi trước đây thường gặp ở tuổi 60-69.
Thoái hóa cột sống thường đi kèm thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa bề mặt thân sống, thoái hóa các mấu khớp bên, gai đốt sống, gây đau khi vận động, sinh hoạt hay chơi thể thao. Đây có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, tổn thương thần kinh, tủy sống khiến yếu liệt chi.
Bác sĩ Thắng giải thích nguyên nhân dẫn tới xu hướng bệnh trẻ hóa là do lối sống ít vận động hoặc vận động sai cách ở người trẻ. Nhóm tuổi này thường chủ quan, không đi khám sớm cho đến khi bệnh nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Nhiều trường hợp từ chối phẫu thuật, chủ yếu do sợ di chứng, yếu liệt sau này.
Như Thịnh, 22 tuổi, bất ngờ khi được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Anh có thói quen tập gym cường độ cao. Cách đây vài tháng, anh đau nhức, tê chân nhưng không đi khám cho đến khi đau nặng.
Còn chị Linh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng, thừa cân, hay ngồi một chỗ làm tăng áp lực lên đĩa đệm. Gần đây chị đau lưng nhiều, đi khám phát hiện thoát vị đĩa đệm, gai cột sống.
Hiện các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống được chia làm hai nhóm chính là bảo tồn và phẫu thuật. Trường hợp nhẹ và trung bình thường được điều trị bằng cách dùng thuốc, tập vật lý trị liệu... Phẫu thuật được chỉ định cho người bệnh nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả, đau nghiêm trọng, giảm khả năng vận động.
Anh Thịnh và chị Linh được phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ mở đường mổ rất nhỏ, đưa một ống nong có đường kính khoảng 2 cm vào cột sống và lấy ra khối thoát vị. Kính vi phẫu giúp phóng đại vị trí phẫu thuật lên gấp hàng chục lần, nâng cao độ chính xác cho các thao tác.
Bệnh viện Tâm Anh còn ứng dụng robot trong phẫu thuật, giúp cảnh báo nếu tiếp cận dây thần kinh, tránh được tổn thương các cấu trúc xung quanh. Ngày đầu sau mổ, người bệnh giảm tê đau rõ rệt, có thể đi lại nhẹ nhàng và xuất viện.
Bác sĩ Thắng cho biết nhờ sự phát triển của trang thiết bị, kỹ thuật và năng lực chuyên môn của bác sĩ tỷ lệ điều trị bệnh thành công hơn 90%, giảm tối đa nguy cơ tổn thương thần kinh, phát sinh biến chứng.
Cột sống là phần quan trọng của cơ thể, giúp chịu lực và giữ cho cơ thể được đứng thẳng, vững. Cột sống cũng chứa các yếu tố như tủy sống, các dây thần kinh ngoại biên chi phối chức năng hoạt động của nhiều cơ quan khác trên cơ thể. Thoái hóa cột sống làm tăng nguy cơ đau, tê yếu chân, tàn phế.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám sớm nếu đau lưng, đau lan xuống chân, tê chân, đau khi thay đổi tư thế... Người bệnh được phẫu thuật cột sống cần thực hiện kịp thời để tế bào thần kinh phục hồi tốt hơn. Khi đã xuất hiện các biến chứng như yếu liệt chân, rối loạn đại tiểu tiện do tổn thương cơ vòng, hiệu quả hồi phục giảm 50%.
Thoái hóa cột sống là bệnh lý có thể phòng ngừa bằng cách sinh hoạt lành mạnh, đúng tư thế. Người trẻ nên thường xuyên vận động ở cường độ vừa phải, thực hiện đúng tư thế khi cần khiêng nhấc đồ vật, đứng lên đi lại sau mỗi 30-45 phút ngồi làm việc.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |