Anh Đức, ngụ Bình Thuận, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám cách đây hai năm do đau lưng nhiều, đi khập khiễng. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, chỉ định phẫu thuật, anh sợ biến chứng nên từ chối mổ. Gần đây, anh khó đi lại, cố khoảng 2 m là phải nghỉ.
Ngày 19/2, BS.CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết lần này tái khám, kết quả chụp chiếu ghi nhận anh Đức bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng L4L5 và L5S1. Nhân nhầy đĩa đệm ở vị trí L5S1 đã tách khỏi bao xơ và vỡ ra thành các mảnh rời. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật giải áp dây thần kinh và bắt vít, thay đĩa đệm.
Theo bác sĩ Quỳnh, người bệnh không điều trị trong thời gian dài nên các mảnh vỡ đĩa đệm bị viêm và dính vào dây thần kinh. Quá trình bóc tách các mảnh vỡ đĩa đệm có thể làm rách hoặc tổn thương dây thần kinh, dẫn đến liệt. Nhưng nếu vẫn không phẫu thuật, tình trạng diễn tiến nghiêm trọng, người bệnh có nguy cơ liệt cao.
Lần này anh Đức đồng ý phẫu thuật. Nhờ thiết bị hiện đại như dao cắt xương siêu âm, khoan mài cao tốc, kính vi phẫu, máy X-quang di động C- Arm, hệ thống theo dõi thần kinh cơ trong lúc mổ, bác sĩ quan sát rõ tổn thương của các đốt sống. Quá trình giải phóng áp lực lên rễ thần kinh diễn ra chuẩn xác hơn, giảm tối đa nguy cơ biến chứng.
Trước tiên, ê kíp giải áp dây thần kinh bằng cách tách và loại bỏ những mảnh vỡ đĩa đệm. Sau đó thay đĩa đệm nhân tạo vào vị trí đốt sống L5S1 và bắt vít hàn xương làm cứng cột sống thắt lưng. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ, trong khi ca phẫu thuật giải áp dây thần kinh thường quy chỉ khoảng 30 phút.
12 giờ sau mổ, chân của anh Đức hết đau, cử động thoải mái. Một ngày sau, anh có thể tự đi lại nhẹ nhàng.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh cơ xương khớp phổ biến. Nguyên nhân do tai nạn hoặc thói quen sinh hoạt không đúng như ngồi lâu, ít vận động, nâng nhấc vật nặng sai tư thế... Khi đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư, trượt ra khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống. Lúc này, người bệnh đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ, về lâu dài, có thể khó cử động cổ, tay, chân, tàn phế.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo người bệnh nên đi khám khi có dấu hiệu bất thường và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người bệnh chọn điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu vì lo ngại biến chứng sau mổ. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ hiệu quả khi bệnh nhẹ và vừa. Khi đã có chỉ định phẫu thuật, trì hoãn càng lâu, nguy cơ biến chứng càng cao và khả năng phục hồi hoàn toàn các chức năng thấp. Người bệnh cũng cần đến cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên môn cao, máy móc hiện đại để đạt hiệu quả chữa trị cao.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi