Hơn một năm nay, bà Linh (ngụ quận 4, TP HCM) uống gần hai lít nước mỗi ngày nhưng vẫn khát, khô họng. Cuối tháng 7, bà khó cử động tay, bước đi loạng choạng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy đường huyết tăng 3-4 lần, chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong ba tháng qua) ở mức 11,5%, cao gấp hai lần bình thường. Siêu âm động mạch cảnh, chụp MRI ghi nhận bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não do biến chứng tiểu đường.
BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương, khoa Cấp cứu, cho biết bà Linh mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng không biết, cho đến lúc biến chứng. Bà Linh cũng nói "bất ngờ" khi phát hiện bệnh vì luôn ăn ít tinh bột và đồ ngọt, chỉ thừa cân nhẹ.
Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường và Nội Thần kinh phối hợp điều trị bệnh nhân, truyền insulin hạ đường huyết, dùng thuốc hạ huyết áp, hạ mỡ máu, thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép. Sau 5 ngày, đường huyết của người bệnh về mức an toàn, tay cầm nắm được, chân cử động dễ dàng.
Tương tự, ông Hùng (45 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng không biết mình bị tiểu đường, cho đến khi bụng đau dữ dội, vào bệnh viện Tâm Anh cấp cứu ngày 20/7. Khi ấy, kết quả xét nghiệm ghi nhận viêm tụy cấp với chỉ số viêm tụy cao 169 mg/L (người không viêm nhiễm chỉ số này 0-1mg/L đến dưới 10mg/L), kèm tiểu đường với chỉ số HbA1C 7,2% (bình thường khoảng 4-6%).
Bác sĩ cho bệnh nhân truyền dịch và insulin, dùng thuốc giảm đau, kháng tiết axit, kháng sinh đường tĩnh mạch và lọc máu liên tục. Ba ngày sau sức khỏe người bệnh cải thiện.
Theo bác sĩ Khương, mỗi tuần bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận khoảng 10 ca cấp cứu do tiểu đường mà không biết, như bà Linh, ông Hùng.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tiểu đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) bị tiểu đường, gần một nửa không biết đang sống chung với bệnh. Dự báo đến năm 2045, cứ 8 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh, tức khoảng 783 triệu người, tăng 46%.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận trong vòng 10 năm qua, số ca tiểu đường tăng nhanh, từ 2,7% dân số độ tuổi 18-69 (năm 2002) lên 5,4% (năm 2012), hơn 7% năm 2021. Hiện gần 5 triệu người Việt bị tiểu đường nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán, còn lại không biết mình mắc bệnh. Dự báo số người bệnh tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Theo bác sĩ Vũ, bệnh tiểu đường type 2 thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện triệu chứng trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Nhiều người không phát hiện tiểu đường do bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng như sụt cân dù ăn nhiều, khát nước, đi tiểu nhiều khi đường huyết tăng quá cao.
Bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, đường huyết tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton (tăng axit trong máu), nhiễm trùng, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đường huyết tăng cao kéo dài trước khi người bệnh được chẩn đoán và điều trị gây ra các biến chứng trên các cơ quan như mạch máu, thần kinh, thận, mắt.
Nhiều người vô tình phát hiện tiểu đường khi khám sức khỏe định kỳ nhờ xét nghiệm glucose (đường) trong máu hoặc đã xuất hiện biến chứng. Các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, giảm thị lực, nhiễm trùng chân về sau nếu điều trị kiểm soát đường huyết tối ưu cũng không cải thiện hoàn toàn. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh bị tổn thương nhiều cơ quan, có thể mù lòa, phải cắt cụt chi, tử vong.
Căn nguyên của tiểu đường type 2 do nhiều yếu tố gây nên và rất phức tạp, liên quan với tương tác giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phần lớn là người trưởng thành mắc tiểu đường type 2.
Bác sĩ Tiến Vũ khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tiểu đường. Tầm soát sớm tiểu đường rất quan trọng, nhất là người có nguy cơ cao như tuổi cao, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động, gia đình có người thân bệnh tiểu đường, phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tầm soát sớm tiểu đường không chỉ điều trị đơn giản hơn mà còn cải thiện tiên lượng về sau.
Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau xanh vì chất xơ làm chậm hấp thu đường huyết vào cơ thể. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hạn chế ăn tinh bột, chất béo, nước ngọt, rượu bia, không hút thuốc... giúp giảm nguy cơ.
Đinh Tiên