Nước tiểu của anh Tùng thỉnh thoảng có kiến bu, hơn ba tháng nay. Sau khi anh uống trà sữa, ăn bánh ngọt vào tối 27/6, kiến bu nước tiểu nhiều hơn và chân phải bị tê. Sáng hôm sau, anh khó cử động, tê yếu nửa người bên phải và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Kết quả chụp chiếu ghi nhận bệnh nhân đột quỵ não. Chỉ số HbA1c (xét nghiệm đánh giá lượng đường trong máu trong 2-3 tháng qua) gần 11%, cao gần gấp đôi người bình thường. BS.CKI Hồ Ngọc Bảo, khoa Cấp cứu, kết luận người bệnh bị đột quỵ não do biến chứng tiểu đường.
Anh Tùng chia sẻ, cha của anh bị tiểu đường. Anh có tìm hiểu bệnh và tập thể dục thường xuyên nhưng không nghĩ cũng mắc bệnh này.
Đây là bệnh nhân thứ hai bị đột quỵ do biến chứng tiểu đường được Bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận trong vòng ba ngày qua. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương cho biết bệnh nhân Vinh, 47 tuổi, với triệu chứng tương tự anh Tùng, chẩn đoán đột quỵ, tiểu đường type 2 với đường trong máu tăng cao 200 mg/dL (người bình thường từ 70-100 mg/dL), HbA1c gần 8%.
BS.CKII Trần Thùy Ngân (khoa Nội tiết - Đái tháo đường) cho biết, cả hai bệnh nhân được điều trị đột quỵ não bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép, hạ mỡ máu, bổ não và tiêm insulin đưa đường huyết về mức ổn định. Người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn và vận động phù hợp khi xuất viện.
Trong tháng 6, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM cũng tiếp nhận 4-5 người dưới 50 tuổi đột quỵ kèm đường huyết tăng cao nhưng không biết mắc bệnh trước đó.
Bác sĩ Thùy Ngân giải thích người bệnh tiểu đường không được phát hiện hoặc không kiểm soát tốt đường huyết dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như trên.
Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài thúc đẩy quá trình tích tụ chất béo trong động mạch, hình thành các mảng xơ vữa dẫn đến hình thành cục máu đông hoặc tắc nghẽn động mạch gây tổn thương mạch máu. Hệ thống mạch máu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh, mắt, thận, tim, não... Người bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn 2-4 lần so với người bình thường, nguy cơ đột quỵ cao hơn ở người trẻ mắc bệnh. Bệnh nhân đột quỵ có mức đường huyết không kiểm soát tốt có tỷ lệ tử vong cao và biến chứng sau đột quỵ nặng hơn.
Người bệnh tiểu đường cũng có các yếu tố nguy cơ khác gây đột quỵ như: huyết áp cao, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu, gia đình có người đột quỵ, hút thuốc lá...
Người tập thể dục thường xuyên vẫn có thể mắc bệnh tiểu đường. Để giảm nguy cơ đột quỵ, người bệnh còn cần kiểm soát đường huyết và duy trì lối sống lành mạnh như có chế độ ăn hợp lý, tốt nhất chỉ nên ăn 3 bữa chính, có thể ăn thêm các bữa phụ nếu thấy đói, chọn tinh bột không qua tinh chế nhiều, ăn nhiều chất xơ, giảm lượng muối ăn, uống đủ nước, hạn chế thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn.
Bác sĩ Thùy Ngân lưu ý lượng đường trong máu vượt ngưỡng sẽ thải qua nước tiểu và thu hút kiến. Tuy nhiên, có những trường hợp nước tiểu có đường nhưng đường huyết vẫn bình thường. Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên giúp tầm soát và phát hiện sớm bệnh tiểu đường, tránh các nguy cơ biến chứng.
BS.CKI Hoàng Khương hướng dẫn cách phát hiện sớm đột quỵ bằng quy tắc "FAST": F (face): Khuôn mặt mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Để nhận diện, bác sĩ hay người nhà có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát. A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Khi giơ tay lên, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ. S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ những câu đơn giản. T (time): Một người có những triệu chứng trên có thể đã bị đột quỵ. Gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị. |
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Đinh Tiên