Ông Thành (Bình Phước) cho biết mỗi tháng chi 12 triệu đồng mua thuốc nam về nấu uống với liều ba lần/ngày. Hai ngày trước khi nhập viện, ông đau râm ran quanh rốn, cơn đau tăng dần lan khắp bụng, khát nước dữ dội.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Minh Thi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, chỉ số đường huyết mao mạch cao không đo được. Bác sĩ lấy máu xét nghiệm, bù dịch, truyền insulin, theo dõi tích cực hơn một giờ, tối 6/7.
Kết quả xét nghiệm máu ghi nhận đường huyết tăng 731 mg/dl, HbA1c (đường huyết trong ba tháng) đến 10,47% (bình thường 4-6%). Các chỉ số khác như định lượng ceton (axit trong máu), tryglycerid (chất béo trung tính), chỉ số nhiễm khuẩn lần lượt tăng 14, 22 và 302 lần so với bình thường. Xét nghiệm đặc hiệu trong chẩn đoán viêm tụy cho thấy chỉ số cao gấp 20 lần.
Tụy của người bệnh sưng nhẹ, ít dịch ổ bụng. Bác sĩ chẩn đoán ông Thành bị biến chứng tăng đường huyết, toan chuyển hóa (axit máu cao), viêm tụy cấp nặng, nguy cơ tử vong cao, điều trị Hồi sức cấp cứu (ICU).
Bác sĩ đặt ống thông tĩnh mạch đùi, thay huyết tương, lọc máu cho bệnh nhân. Máy phân tách huyết tương giúp loại bỏ chất béo trung tính ra khỏi cơ thể và thay bằng huyết tương mới. Sau ba tiếng, người bệnh thoát nguy kịch, tiếp tục được lọc máu, truyền dịch, kháng sinh, cân bằng điện giải...
Người bệnh phục hồi tốt sau 5 ngày điều trị, tình trạng toan chuyển hóa hết, đường huyết ổn định, các chỉ số viêm cải thiện. Thoát khỏi nguy kịch, ông Thành cho biết: "Trải qua lần này suýt chết, tôi đã biết sợ, sẽ tái khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ".
Trường hợp khác, bà Thi (61 tuổi, TP HCM) bị suy thận cấp tính do bỏ thuốc tây trị tiểu đường để uống thuốc nam dạng viên. Bà cũng phải nằm ICU, truyền insulin điều chỉnh đường huyết, tình trạng cải thiện sau hai ngày cấp cứu tích cực.
Đây là hai trong số 5 bệnh nhân tiểu đường vào bệnh viện Tâm Anh cấp cứu một tháng qua do biến chứng cấp tính sau khi bỏ thuốc điều trị để uống thuốc nam. Bác sĩ Minh Thi cho biết thêm hầu hết trường hợp phải hồi sức tích cực, truyền insulin điều chỉnh đường huyết, điều trị khó khăn.
Theo BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, thuốc nam được làm từ thảo dược trồng hay mọc hoang dại. Một số loại cây có tác dụng hạ đường huyết nhưng cần nghiên cứu thêm về tác dụng phòng ngừa biến chứng. Trong thảo dược chứa tinh chất và tạp chất, nếu uống nguyên cây khiến gan, thận hoạt động quá sức, lâu ngày dẫn đến suy yếu chức năng. Một số người trộn chất cấm vào thuốc đông y, gây nguy hiểm cho người dùng. Người bệnh có cảm giác đường huyết được kiểm soát tốt, nhưng sau một thời gian sẽ buồn nôn, ói, chán ăn, đau bụng, suy thận, tử vong...
Bác sĩ Duy cho biết thêm mục tiêu điều trị tiểu đường là vừa hạ đường huyết vừa ngăn biến chứng. Người bệnh cần đến viện khám, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tin vào quảng cáo trên mạng xã hội, tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Theo dõi quá trình điều trị và hiệu quả, điều chỉnh chế độ ăn uống, tầm soát biến chứng giúp tránh tổn thương đến thận, mạch máu, tim mạch, mắt...
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.