Cách đây không lâu, có một vụ việc liên quan tới tai nạn giao thông khiến tôi chú ý. Một chiếc xe cứu hỏa đi vào đường cao tốc ngược chiều khi làm nhiệm vụ chữa cháy, nào ngờ bị một chiếc xe tải tông thẳng vào đầu. Nhiều người nhanh chóng trích dẫn luật rằng, xe cứu hỏa được phép chạy ngược chiều trên cao tốc trong quá trình làm nhiệm vụ.
Điều đó không sai, nhưng các định luật vật lý lại càng đúng hơn. Việc chiếc xe đột nhiên xuất hiện trên cao tốc theo hướng ngược chiều khiến các xe lưu thông xuôi chiều chẳng có cách nào tránh được. Và rồi khi tai nạn vẫn xảy ra, dù ai đúng, ai sai đi chăng nữa, thì cũng chẳng thể thay đổi được hậu quả nếu sự việc lại tiếp tục tái diễn.
Câu chuyện này có rất nhiều điểm tương đồng đối với vấn đề sử dụng đòn roi với trẻ em mà chúng ta tranh cãi thời gian gần đây. Rất nhiều người nói rằng, đòn roi là do cha mẹ khốn khổ quá, bận rộn quá, nghèo đói quá, không có cách nào khiến con nghe lời, nên mới phải đánh. Vì vậy, những đứa con phải biết cảm thông, thương yêu cha mẹ vì rơi vào hoàn cảnh đói nghèo, khổ sở đó, thay vì oán trách.
Thế nhưng, không ai chịu nhớ rằng, cái đói, cái nghèo đó không chỉ xảy ra với các bậc cha mẹ, mà chính con cái họ cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Người mẹ một mình nuôi ba con, khổ sở lăn lóc đủ điều, thì ba đứa con đó cũng được phen đói rách, khổ sở chứ chẳng chơi. Vậy mà cái nghèo khiến người mẹ đánh đập con thì cần phải thông cảm, còn cái nghèo khiến mấy đứa con trở nên vô cảm với mẹ thì lại đáng trách sao?
>> 'Đòn roi chỉ là cách cha mẹ trút giận'
Ở mặt khác, các định luật tự nhiên liên quan tới phản ứng của con người với các tác nhân gây đau luôn luôn xảy ra, chẳng có cách gì tránh được. Đó còn là nguyên nhân khiến nhân loại tồn tại tới ngày nay. Thời nguyên thủy, nếu con người bị sói tấn công, bị cắn đau thì sẽ xuất hiện bản năng sợ hãi, oán ghét, tránh xa các loài thú săn mồi. Nhờ vậy mà con người mới tồn tại tới ngày nay.
Tâm lý bị ai làm đau thì sợ hãi, oán ghét người gây ra cho mình là một quy luật tự nhiên như thế. Con người tạo ra luật pháp, đạo đức nhằm uốn nắn hành vi của đồng loại, nhưng điều đó không có nghĩa là các định luật tự nhiên lại biết "sợ" luật pháp hay đạo đức. Ở trên cao tốc, xuất hiện xe ngược chiều thì chuyện bị tông là khó tránh, cũng như khi đứa trẻ bị đánh sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, oán trách vậy.
Khi con còn nhỏ, cha mẹ dùng đòn roi thì con không thể phản kháng lại. Tuy vậy, cảm giác oán hận sẽ vẫn tồn tại âm thầm. Khi đòn roi cứ lặp đi lặp lại thì hành vi có thể thay đổi, nhưng cảm giác sẽ chỉ có tăng lên. Khi trưởng thành, hành vi của đứa con sẽ thế nào thì không ai dám chắc, nhưng tâm lý lạnh lùng, vô cảm, muốn tránh xa người đã đánh mình thì khó mà xóa bỏ được.
Tất nhiên, mức độ nặng nề của tâm lý cũng tùy vào mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nó cũng có thể tùy vào mức độ đòn roi, tần suất bị đánh, thương tích gây ra, việc đánh đập có diễn ra một cách nhất quán hay không...? Nếu một đứa trẻ hái trộm xoài lần đầu và bị đánh, lần sau cũng vậy và bị đánh thì ít nhất nó cũng biết là không nên hái trộm xoài. Chứ nửa đêm bị lôi dậy và bị đánh vì cha nhậu say về thì đừng hỏi là vì sao con không biết mình "có lỗi" ở chỗ nào, và vì sao con lại sợ hãi oán trách người "cha" đó?
Việc những người thuộc thế hệ trước cho rằng đòn roi là cần thiết, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về các định luật sinh học và tâm lý. Họ cho rằng con người có thể "thấu hiểu" cho cái nỗi khổ của các bậc làm cha mẹ, mà không hiểu được là tâm lý sợ hãi, oán trách kẻ đánh mình là cần thiết cho sự tồn tại của loài người.
Chữ "hiếu" được chỉ ra nhằm mục đích bảo hiểm cuộc sống của con người khi về già, bởi lúc trẻ cậy cha thì già cậy con. Ngày xưa các vị ai cũng phải cậy con lúc về già nên ít ai dám bỏ mặc cha mẹ mình, chỉ sợ con mình sau này cũng bỏ mình. Ỷ lại vào chữ hiếu nên các bậc cha mẹ cứ thế mà tiếp tục đánh con, chẳng nghĩ tới hậu quả cho đứa con sau này. Họ chỉ biết tới việc của mình mà thôi.
Ở trong cái mớ bòng bong của việc dạy dỗ bằng đòn roi, chữ "hiếu" và tình cảm yêu thương, các định luật tự nhiên vẫn đúng. Nhưng người bị dạy dỗ bằng đòn roi ai cũng có tâm lý xa lánh cha mẹ, không dám tới gần vì sợ. Người nào đã trải qua sự uốn nắn của xã hội thì có thể thay đổi hành vi, tức là họ sẽ vẫn chăm sóc vật chất cho cha mẹ, nhưng họ lại cảm thấy sợ hãi, chán ghét trong lòng. Đó là vì định luật tự nhiên kết cục vẫn chiến thắng.
Cái nghèo, lời dạy của cha ông về chuyện "yêu cho roi vọt", tất cả đều ở dưới luật tự nhiên. Cho nên, ai cảm thấy oán ghét cha mẹ mình vì bị đánh, không cần phải ngạc nhiên hay cảm thấy có lỗi. Thay vào đó, hiểu biết về phản ứng tâm lý có thể giúp những ai là nạn nhân của đòn roi hiểu rằng mình không có lỗi. Ở mặt khác, đòn roi cũng không liên quan gì tới chuyện "nên người" hay không? Các nước phát triển họ đã dẹp bỏ đòn roi từ rất lâu nhưng nước họ vẫn giàu, nền văn minh của họ phát triển, công dân có ý thức tốt. Xét trên diện rộng, chắc chắn trẻ con không cần bị đánh mới có thể nên người.
Độc giả Khanh Huỳnh hiện là luật sư nhiều năm kinh nghiệm, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.