Ông Thắng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do vùng cổ gáy và bả vai trái sưng nề, hoại tử, bốc mùi tanh và nổi nhiều mụn mủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy mức đường huyết của ông Thắng cao gấp 5-6 lần so với người bình thường (chỉ số bình thường dưới 140 mg/dL).
Ngày 24/1, thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Mạnh Long, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết ông Thắng bị nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu do bội nhiễm vết thương vùng cổ, gáy và vai trái. Ông còn mắc bệnh tiểu đường nhưng trước đó chưa được phát hiện.
Bác sĩ Long giải thích đường huyết cao lâu ngày không được phát hiện cùng với cách chăm sóc, điều trị vết thương chưa hợp lý khiến bệnh của ông diễn tiến nặng hơn. Người bệnh có nguy cơ nhiễm toan ceton (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu), sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng là tình trạng bệnh cấp tính. Khi nhiễm trùng nặng, cơ thể có các cơ chế phản ứng lại gây tăng đường huyết. Do đó, nhiễm trùng và tăng đường huyết tác động qua lại với nhau. Nếu không kiểm soát tốt hai yếu tố, quá trình điều trị khó khăn, dễ thất bại.
Ông Thắng được kiểm soát đường huyết tích cực bằng insulin truyền tĩnh mạch và điều trị thuốc kháng sinh mạnh.
Sau ba ngày điều trị, ông khỏe hơn, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, mức đường huyết ổn định và vết thương giảm đau nhức. Người bệnh tiếp tục được rạch tháo mủ từ ổ áp xe, cắt lọc da, mô hoại tử, làm sạch vết thương.
Ngày thứ 7, vết thương của ông tiến triển tốt, các bác sĩ đặt máy hút áp lực âm để đẩy nhanh quá trình lành thương. Ông được xuất viện, tiếp tục uống thuốc tiểu đường và hẹn tái khám theo lịch.
Ông không biết mắc bệnh tiểu đường, khoảng 6 tháng nay thường khát nước, uống nước, đi tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, nhìn mờ, nhưng không để ý.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận trong vòng 10 năm qua, số ca tiểu đường tăng nhanh, từ 2,7% dân số độ tuổi 18-69 năm 2002 lên 5,4% năm 2012, hơn 7% năm 2021. Hiện gần 5 triệu người Việt bị tiểu đường nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán, còn lại không biết mình mắc bệnh.
Bệnh tiểu đường type 2 thường diễn tiến âm thầm, nên nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, suy thận, nhiễm toan ceton, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, biến chứng bàn chân tiểu đường, mờ mắt, mù lòa... Người bệnh cần kiểm soát đường huyết bằng cách dùng thuốc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Tránh đắp lá cây vào vết thương vì có thể gây nhiễm trùng lan rộng, hoại tử da.
Để phòng bệnh tiểu đường, bác sĩ Long khuyên mọi người ăn uống dinh dưỡng, cân bằng, hạn chế tiêu thụ nhiều chất bột đường, thịt đỏ, dầu mỡ, không ăn khuya, thức khuya, bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống có cồn...
Người thừa cân, béo phì nên tăng cường hoạt động thể lực, giảm cân để cân nặng phù hợp, giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Khám sức khỏe tổng quát ít nhất một lần mỗi năm nhằm phát hiện sớm bệnh, phòng biến chứng.
Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
20h, ngày 25/1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức tư vấn trực tuyến "Vui Tết: Người tiểu đường phòng biến chứng lên da, mắt, răng" phát trên fanpage VnExpress. Chương trình cung cấp thông tin về phương pháp tầm soát, phòng các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Các bác sĩ tham gia bao gồm TS.BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường; TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da; ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt; BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.