Tắc ruột do bã thức ăn xảy ra khi khối thức ăn không tiêu hóa được, vón cục lại trong dạ dày, di chuyển xuống ruột non làm tắc ruột một phần hoặc hoàn toàn. Triệu chứng sớm của tắc ruột do bã thức ăn gồm buồn nôn, nôn ra thức ăn, dịch mật, đau bụng, chướng bụng. Cơn đau khu trú ở một vùng rồi lan tỏa toàn bụng.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột ở người già như do lão hóa, thói quen ăn uống hàng ngày.
Người già răng yếu, rụng làm giảm sức nhai, thức ăn khó nghiền nhỏ và di chuyển trong ống tiêu hóa. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất xơ, khó tiêu như măng, mít.... Tiêu thụ trái cây chứa nhiều tanin khi đói như quả hồng, hồng xiêm, ổi, sung tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, khối bã thức ăn dễ ứ đọng, nén chặt. Táo bón kéo dài (đại tiện dưới ba lần một tuần), phân trong trực tràng lâu ngày càng cứng và rắn hơn.
Bệnh nhân sau cắt dạ dày làm khả năng nhào trộn thức ăn kém, người bị viêm teo dạ dày khiến axit dịch vị giảm, cũng dễ tắc ruột.
Theo bác sĩ Khanh, tắc ruột do bã thức ăn ở người cao tuổi là trường hợp ngoại khoa cấp cứu nguy hiểm, nếu không phẫu thuật ngăn ngừa viêm nhiễm kịp thời dễ dẫn đến mất nước, mất điện giải, hạ huyết áp. Một số biến chứng nguy hiểm hơn có thể xảy ra như thủng ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân đe dọa tính mạng.
Phát hiện và can thiệp tắc ruột non sớm, khả năng phục hồi cao hơn. Người già sức khỏe yếu, các triệu chứng diễn tiến nhanh, cần đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, nôn mửa, không xì hơi, không đại tiện...
Bác sĩ có thể chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng giúp chẩn đoán sớm vị trí tắc ruột, đồng thời xác định nguyên nhân. Dựa vào biểu hiện, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp.
Với tình trạng tắc ruột không hoàn toàn, người bệnh có thể phải nhịn ăn qua đường miệng, được nuôi dưỡng tĩnh mạch đặt sonde dạ dày để giảm áp, có thể đặt sonde hậu môn. Nếu cách này vẫn không hiệu quả, bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
Khi người bệnh tắc ruột hoàn toàn, bác sĩ phẫu thuật ổ bụng loại bỏ tắc nghẽn và đoạn ruột hư hỏng, nuôi dưỡng tĩnh mạch, truyền nước, chất điện giải tránh mất nước và rối loạn điện giải.
Để phòng tắc ruột, bác sĩ Khanh khuyến nghị phòng tránh các chấn thương xảy ra ở vùng bụng. Ăn thức ăn được nấu chín, ninh nhừ, chia nhỏ bữa và nhai kỹ khi ăn. Hạn chế món ăn dai, cứng, nhiều chất xơ, khó tiêu hóa như gân, sụn, măng khô...
Không ăn nhiều trái cây chứa tanin khi đói và không ăn cùng thức ăn giàu đạm. Ưu tiên các loại rau giàu chất xơ hòa tan, có tác dụng chống táo bón như rau đay, mồng tơi, đậu bắp. Nên uống đủ ít nhất hai lít nước mỗi ngày, kết hợp các loại nước ép từ rau, củ, quả. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để kích thích ruột và hệ tiêu hóa.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |