Bướu cổ là tên thường gọi chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, y học gọi là phình giáp, bướu giáp đơn thuần, phình giáp hạt (đơn hoặc đa nhân). Bướu cổ do sự thay đổi cấu trúc mô học, có thể kèm hoặc không kèm thêm có rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp, suy giáp).
ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bất kỳ nguyên nhân nào ngăn chặn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp đều gây ra bướu cổ. Dù nguyên nhân phổ biến nhất trên thế giới là do thiếu iốt, nhưng cũng có nhiều tình trạng bệnh khác gây ra bướu cổ.
Bác sĩ Trâm dẫn một số nghiên cho thấy, khoảng 1/8 phụ nữ gặp vấn đề về tuyến giáp vào một thời điểm trong đời, nhất là với phụ nữ trên 40 tuổi. Một trong những lý do phụ nữ dễ bị bệnh tuyến giáp là rối loạn tự miễn. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào chính nó nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây rối loạn tự miễn phổ biến ở nữ hơn nam. Phụ nữ dễ bị bướu cổ hơn nam giới còn do các yếu tố như mang thai, sinh con, mãn kinh.
Mang thai: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hormone βhCG tăng cao. Hormone này có hoạt tính giống hormone TSH (hormon kích thích tuyến giáp), làm tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone T4, gây bệnh cường giáp. Mẹ bầu dễ tăng kích thước tuyến giáp hơn bình thường, lớn hơn khoảng 10-15%, nhất là với phụ nữ thiếu hụt iốt.
Sau sinh con: Tỷ lệ viêm tuyến giáp chiếm khoảng 6-8%. Trong thai kỳ chịu ảnh hưởng của hormone βhCG nên các bệnh tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau sinh các bệnh tự miễn dễ dàng tái phát, gây viêm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp sau sinh thường xảy ra hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ 1-4 tháng sau sinh, thường kéo dài từ 1-2 tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh xuất hiện các triệu chứng của cường giáp vì tuyến giáp bị tổn thương làm rò rỉ hormone tuyến giáp vào máu.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ tháng 4-8 sau khi sinh, kéo dài từ 6-12 tháng. Giai đoạn này, người bệnh có các triệu chứng của suy giáp do rối loạn tự miễn tấn công tuyến giáp.
Thời kỳ mãn kinh: Khoảng 50% phụ nữ xuất hiện nhân giáp hoặc đa giáp lành tính nếu kèm thiếu hụt iốt sẽ mắc bướu giáp do đa nhân hóa độc.
Thông thường dấu hiệu nhận biết bướu cổ là khối u to ở dưới cổ. Tuyến giáp sưng to đủ lớn để nhìn thấy hoặc dùng tay sờ thấy cục u. Bướu cổ lớn gây ra cảm giác chặn trong cổ họng, ho, khó nuốt, khó thở. Tuy nhiên, có những bướu cổ nhỏ không thể tự phát hiện cho đến khi khám sức khỏe.
Các bệnh tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ
Dưới đây là một số bệnh tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ, có thể làm tăng kích thước của tuyến giáp.
Bệnh Basedow: Đây là một trong số bệnh cường giáp, xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp. Việc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp gây tăng kích thước tuyến giáp.
Bệnh Hashimoto: Bệnh tự miễn gây viêm tuyến giáp. Một số người bệnh Hashimoto gia tăng phát triển tuyến giáp gây bướu cổ.
Ung thư tuyến giáp: Tình trạng này khiến tuyến giáp phình to gây bướu cổ.
Mang thai: Gonadotropin màng đệm có ở phụ nữ mang thai khiến tuyến giáp tăng sinh gây bướu cổ.
Viêm tuyến giáp: Viêm khiến tuyến giáp phát triển lớn hơn bình thường. Việc dùng một số loại thuốc amiodarone, lithium... cũng ảnh hưởng đến viêm tuyến giáp.
Nếu bướu cổ là dấu hiệu của các bệnh tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp..., người bệnh có thêm nhiều biểu hiện khác bao gồm:
Dấu hiệu của cường giáp: Sụt cân không lý do, ăn nhiều hơn bình thường, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đánh trống ngực, hồi hộp, lo lắng, cáu kỉnh, khó ngủ, run rẩy bàn tay và ngón tay, tăng tiết mồ hôi, chịu nóng kém, yếu cơ....
Dấu hiệu suy giáp: Chịu lạnh kém, táo bón, yếu cơ, tăng cân không lý do, đau khớp hoặc đau cơ, cảm thấy buồn, chán nản, mệt mỏi, da khô, nhợt nhạt, tóc khô mỏng, nhịp tim chậm, ít đổ mồ hôi, giọng khàn, ra kinh nguyệt nhiều hơn bình thường...
Mọi người, nhất là phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe tổng quát, sớm phát hiện bướu cổ. Người bệnh cần đi khám định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết để theo dõi sức khỏe, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Đinh Tiên