Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ, hình cánh bướm nằm ở phía trước cổ, có nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giữ cho não, tim, tiêu hóa, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường. Đó là hormone thyroxine (còn được gọi là T4) và triiodothyronine (còn được gọi là T3) được tuyến giáp tiết ra để đi vào máu và đưa đến các mô trong cơ thể.
Bướu cổ hình thành có thể do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc sự phát triển tế bào bất thường tạo thành một hay nhiều cục (nhân) trong tuyến giáp. Bướu cổ có thể phát triển ở bất kỳ ai nhưng gặp nhiều ở phụ nữ. Đôi khi, bướu cổ ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, thay đổi chức năng hoặc tăng hay giảm hormone tuyến giáp.
BS CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, phổ biến do tình trạng thiếu iốt trong chế độ ăn uống. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng và các biến chứng do bướu cổ gây ra. Những bướu nhỏ không đáng chú ý và không gây ra vấn đề thường không cần điều trị.
Các loại bướu cổ thường gặp
Phân theo hình thái phát triển, bướu cổ được phân thành bướu cổ đơn thuần, bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân. Cụ thể:
Bướu cổ đơn thuần: Y học còn gọi là bướu cổ lành tính hay phình giáp. Loại bướu cổ này xảy ra khi toàn bộ tuyến giáp sưng to, khi sờ vào có cảm giác mịn, nghẹn ở cổ...
Bướu giáp đơn nhân: Có thể là nhân đặc hoặc chứa dịch, có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy nếu nhân to hoặc nổi gồ trên mặt da, khi nhân kích thước nhỏ thì được phát hiện qua siêu âm tuyến giáp.
Bướu giáp đa nhân: Xảy ra khi có nhiều nhân cùng phát triển trong tuyến giáp, về bản chất tương tự như bướu giáp đơn nhân.
Nếu phân theo chức năng tuyến giáp, bướu cổ bao gồm: bướu giáp độc và bướu giáp không độc.
Bướu giáp độc: Tuyến giáp to và tăng sản xuất hormon giáp, gây ra các triệu chứng gọi là cường giáp.
Bướu giáp không độc: Tuyến giáp to nhưng hormon giáp bình thường (bình giáp), nói cách khác là không có tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.
Các bác sĩ sẽ dựa vào các đặc điểm triệu chứng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm để phân loại bướu tuyến giáp khi chẩn đoán.
Phương pháp chẩn đoán
Theo bác sĩ Tiến Vũ, các bất thường của tuyến giáp có thể được phát hiện qua khám bệnh (nhìn, sờ, nghe, hoăc một số nghiệm pháp đặc biệt) hoặc phát hiện sớm qua khám sức khỏe định kỳ. Sau đó, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá bệnh bướu cổ, bao gồm:
Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp: Xét nghiệm này giúp đo nồng độ hormone tuyến giáp, cho biết tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không.
Xét nghiệm kháng thể: Đây là xét nghiệm nhằm tìm kiếm kháng thể được tạo ra khi mắc một số dạng bướu cổ. Kháng thể là một loại protein được sinh ra bởi các tế bào bạch cầu.
Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm là một thủ thuật đơn giản và hiệu quả để đánh giá các bất thường của tuyến giáp. Qua siêu âm bác sĩ có thể "nhìn thấy" tuyến giáp, biết được kích thước và xem xét có hay không sự xuất hiện các nhân giáp.
Xét nghiệm sinh thiết: Sinh thiết là kỹ thuật lấy một mẫu mô hoặc tế bào, tiến hành xem xét dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Nếu có những nhân giáp bất thường trên siêu âm người bệnh cần thực hiện sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA). Kỹ thuật này được thực hiện để loại trừ ung thư.
Đo hấp thụ iốt phóng xạ: Xét nghiệm nhằm cung cấp thông tin về kích thước và chức năng của tuyến giáp. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy một lượng nhỏ chất phóng xạ tiêm vào tĩnh mạch để hình ảnh tuyến giáp hiện rõ trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, kỹ thuật này không thường được chỉ định vì chỉ cần thiết trong một số trường hợp nhất định.
Chụp CT hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) tuyến giáp: Nếu bướu giáp kích thước lớn hoặc lan xuống ngực, khi ấy chụp CT hoặc MRI sẽ được áp dụng để đo kích thước và sự lan rộng của bướu cổ.
Điều trị và phòng ngừa
Bướu giáp to có thể gây biến dạng vùng cổ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Một số trường hợp bướu giáp to chèn ép vào đường thở và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị sớm.
Các bệnh lý tuyến giáp gây thay đổi chức năng tuyến giáp (suy giáp hoặc cường giáp) cũng ảnh hưởng nghiêm trọng lên các cơ quan khác. Do đó, điều trị phụ thuộc vào kích thước của tuyến giáp, các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, các phương pháp điều trị bao gồm:
Theo dõi, không điều trị: Nếu bướu cổ nhỏ và không gây ảnh hưởng, bác sĩ có thể quyết định không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi sự thay đổi tuyến giáp (bằng xét nghiệm và siêu âm).
Sử dụng thuốc: Là một liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc levothyroxine (Levothyrox, Berlthyrox) nếu nguyên nhân gây ra bướu cổ do tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hoặc methimazole (Thyrozol), propylthiouracil khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)... Bác sĩ cũng có thể kê đơn aspirin hoặc thuốc corticosteroid trong một số trường hợp viêm tuyến giáp.
Điều trị bằng iốt phóng xạ: Phương pháp điều trị này được sử dụng trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc ung thư tuyến giáp. Iốt phóng xạ đi đến tuyến giáp, giết chết các tế bào và gây co hẹp tuyến giáp. Sau điều trị bằng iốt phóng xạ, người bệnh có thể cần dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.
Phẫu thuật: Một số trường hợp cần phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp, chẳng hạn bướu cổ lớn gây khó thở và khó nuốt hoặc toàn bộ tuyến giáp trong trường hợp nhân giáp được xác định là ung thư. Tùy vào trường hợp và chức năng tuyến giáp sau phẫu thuật, bác sĩ xem xét việc người bệnh có thể phải dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp hay không.
Bướu cổ do thiếu iốt (bướu cổ đơn thuần) là loại bướu cổ duy nhất có thể phòng ngừa. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm cá, sữa và muối iốt có thể ngăn ngừa các loại bướu cổ này. Bổ sung iốt và các chất bổ sung khác thường không được khuyến khích và có thể gây tác hại nhiều hơn.
Theo bác sĩ Tiến Vũ, bướu cổ kích thước nhỏ chỉ cần theo dõi, không phải tiến hành điều trị. Tuy nhiên, quyết định này cần thông qua bác sĩ chỉ định sau khi khám cho người bệnh. Do đó, khi thấy các biểu hiện bất thường ở cổ người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán kịp thời, giảm bớt khả năng phải điều trị chuyên sâu hơn.
Hoàng Trang