Trả lời:
Bướu giáp đa nhân (phình giáp đa hạt) là tình trạng bướu cổ có nhiều nốt (nhân). Các nhân to có thể được nhìn thấy rõ ràng hoặc phát hiện tình cờ khi siêu âm. Bệnh bướu giáp đa nhân và bệnh tuyến giáp nói chung thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, từ 50 tuổi trở lên.
Bướu giáp đa nhân có thể di truyền. Một thành viên trong gia đình bị bướu giáp đa nhân làm tăng khả năng mắc bệnh ở các thành viên khác. Do đó, các thành viên trong gia đình có người bệnh bướu giáp (bướu cổ), bướu giáp đa nhân, bướu giáp lan tỏa, Basedow... nên đi khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ, qua đó phát hiện bất thường (nếu có) và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân gây bướu giáp đa nhân không rõ ràng. Bệnh có thể phát triển từ bướu giáp đơn thuần và bướu giáp lan tỏa. Viêm tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn dịch) cũng có liên quan đến nguy cơ xuất hiện nhân giáp cao hơn. Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm thiếu iốt, giới tính nữ, lớn tuổi và gia đình có người bị bướu giáp đa nhân. Các nốt trong bướu giáp được hình thành và phát triển với tốc độ khác nhau, đồng thời kết hợp với các yếu tố thuốc, ăn uống, gene. Quá trình này diễn ra trong nhiều năm, vì vậy, thường nhận thấy sự gia tăng số lượng người bệnh bướu giáp đa nhân ở tuổi trung niên trở lên.
Thông thường, bướu giáp đa nhân không gây ra triệu chứng, không nhìn thấy và chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp, bướu đa nhân thể hiện rõ ràng là một khối u ở phía trước cổ, có thể nhìn thấy ngay. Đôi khi có các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá mức như giảm cân, run tay, đánh trống ngực, không dung nạp nhiệt, rối loạn giấc ngủ, lo lắng... (cường giáp) hoặc tăng cân, khô da, chuột rút cơ, không chịu được lạnh, táo bón... (suy giáp).
Khi bướu giáp và các nhân có kích thước lớn sẽ gây khó nuốt, khó thở, khàn giọng hoặc cảm giác thắt chặt quanh cổ họng. Hiếm khi bướu giáp đa nhân gây đau, khó chịu do kích thước tăng nhanh bất thường. Hầu hết bướu giáp đa nhân lành tính, không cần điều trị. Việc điều trị bướu giáp đa nhân tùy thuộc vào bướu có gây cường giáp không, kích thước bướu, có nghi ngờ ác tính không. Phần lớn người bệnh không cần điều trị nhưng phải theo dõi định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường.
Một số trường hợp, bướu giáp đa nhân là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp. Người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ tại bệnh viện có máy móc, trang thiết bị hiện đại. Điều này giúp người bệnh có kết quả xét nghiệm nhanh chóng, siêu âm chính xác và điều trị hiệu quả.
Hầu hết các bướu giáp đa nhân đều lành tính, chưa cần điều trị bằng thuốc nhưng phải đi khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi, sớm phát hiện các bất thường. Nếu bướu giáp đa nhân độc (sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp dẫn đến cường giáp), chèn ép thanh quản, thực quản, khí quản gây khó nuốt, khó thở bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Các phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân gồm thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tùy từng tình trạng người bệnh mà bác sĩ tư vấn phương án tối ưu, thậm chí kết hợp cả ba phương pháp để mang lại hiệu quả.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM