Tuổi tác
Phổi trưởng thành khi một người 20-25 tuổi. Sau khoảng 35 tuổi, chức năng của cơ quan này suy giảm, cơ và xương hệ hô hấp yếu đi, ảnh hưởng đến hơi thở.
Một số thay đổi trong cơ thể xảy ra khi già đi có thể khiến dung tích phổi giảm như phế nang giãn, cơ hoành yếu, làm giảm khả năng hít vào và thở ra. Xương lồng ngực mỏng và thay đổi hình dạng, làm thay đổi khả năng co giãn của lồng ngực khi thở. Các dây thần kinh trong đường hô hấp gây ho kém nhạy cảm hơn với tác nhân gây bệnh. Nhiều chất độc hại tích tụ trong phổi có thể làm hỏng mô phổi.
Khi già đi, hệ thống miễn dịch cũng suy yếu, dễ mắc bệnh nhiễm trùng như cúm và viêm phổi hơn. Những thay đổi này có thể dẫn đến triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, sụt cân.
Tiếp xúc với chất ô nhiễm
Không thể nhìn thấy khí radon - sản phẩm phân rã của radium tự nhiên trong đá, đất. Nó xâm nhập vào các tòa nhà thông qua vết nứt trên sàn và tường, trú ngụ xung quanh hệ thống ống nước và dây điện. Các hạt phóng xạ trong radon làm tổn thương phổi khi hít vào. Gia đình có thể mua bộ dụng cụ để kiểm tra không gian sống có khí radon hay không, từ đó có cách bảo vệ sức khỏe phổi phù hợp.
Mạt bụi, nấm mốc có thể ẩn trú trong các loại thảm. Gia đình nên cân nhắc loại bỏ thảm hoặc dùng thì nên hút bụi ba lần một tuần và giặt chúng thường xuyên.
Ăn uống thiếu khoa học
Thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn đều chứa nhiều muối tác động không tốt đến sức khỏe tim. Các món chiên xào nhiều dầu mỡ cũng nhiều muối, chất béo bão hòa gây dư thừa calo và dẫn đến đến tăng cân, góp phần tăng áp lực lên phổi. Uống nhiều rượu bia có hại cho gan và phổi, làm trầm trọng thêm triệu chứng hen suyễn. Để bảo vệ phổi, mỗi người nên bổ sung chất xơ từ các loại quả, rau xanh, chất béo từ ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa...
Ngủ không đủ giấc
Mỗi ngày cơ thể cần ngủ khoảng 7-8 tiếng để phục hồi. Thiếu ngủ cản trở hoạt động của hệ miễn dịch, có thể khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh vì giảm khả năng chống lại của tác nhân gây bệnh bên ngoài như vi khuẩn, virus. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, thiếu ngủ dễ trở nặng hơn. Giấc ngủ ngon hỗ trợ bảo vệ phổi, tác động lớn đến các tế bào não, tạo điều kiện cho não phục hồi. Ngoài ngủ đủ giấc, tập thở vài phút mỗi ngày góp phần cải thiện dung tích phổi, thư giãn, thông thoáng đường thở.
Lê Nguyễn (Theo American Lung Association, WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |