Thảm chùi chân
Thảm dùng để thấm hút nước hoặc làm sạch trước khi bước vào không gian sống. Chúng dễ chứa nấm mốc, bụi bẩn, mạt nhà có thể kích ứng đường hô hấp. Trong đó, mạt nhà là một trong những tác nhân trong nhà gây khởi phát cơn hen suyễn phổ biến nhất.
Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khuyến cáo thường xuyên làm sạch thảm chùi chân để giảm nguy cơ gây bệnh hô hấp. Gia đình làm sạch bên ngoài nhà hoặc trong khu vực kín để tránh ảnh hưởng tới không gian chung. Trong thời tiết nồm ẩm của miền Bắc, thảm chùi chân dễ bị đọng nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh. Các gia đình không nên sử dụng thảm trong thời gian này.
Hóa chất tẩy rửa
Các chất khử trùng mạnh như thuốc tẩy, clo và amoniac có mùi khó chịu, có thể kích thích đường hô hấp của người bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và gây ra các triệu chứng cấp tính như ho, khó thở, đau tức ngực... Bác sĩ Ngọc Lan cho biết hóa chất tẩy rửa cũng có thể gây hen suyễn cấp ở người chưa từng mắc bệnh này trước đây.
Vi khuẩn trong nhà không nhất thiết phải được diệt bằng các chất tẩy rửa mạnh. Để giảm lượng chất tẩy rửa, nên sử dụng các sản phẩm không mùi, chứa các thành phần an toàn, ít kích ứng như nước và giấm hoặc baking soda.
Chăn ga gối
Chất liệu vải của chăn, ga, gối, đệm dễ bám bụi, khi tiếp xúc gần có thể khởi phát nhiều bệnh lý hô hấp, nhất ở trẻ nhỏ. Một số gia đình sử dụng chăn gối lông vũ làm tăng nguy cơ dị ứng cho người mắc bệnh hen suyễn. Để đảm bảo an toàn, nên chọn chăn ga gối có chất liệu tốt và thường xuyên thay mới, làm sạch vật dùng này để tránh nguy cơ phát tán bệnh.
Thiết bị làm mát không khí
Quạt, quạt hơi nước, điều hòa không khí... có thể là nơi trú ngụ của nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh hô hấp nếu không vệ sinh thường xuyên. Với các thiết bị làm mát bằng hơi ẩm, nước có thể ngưng tụ trong hệ thống màng lọc và ống dẫn nước thải, khiến bụi bẩn dễ tích tụ. Để đảm bảo sức khỏe, người dùng nên vệ sinh chúng thường xuyên.
Đồ nội thất
Các sản phẩm nội thất bằng ván gỗ công nghiệp (ván dăm, ván sợi...) chứa một lượng lớn formaldehyde. Ván gỗ công nghiệp vượt chuẩn formaldehyde theo quy định là một trong những mầm mống gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình.
Theo bác sĩ Ngọc Lan, người hít phải không khí ô nhiễm formaldehyde 0,1-0,5 ppm bị kích ứng mắt và mũi, ảnh hưởng đến thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng. Mức độ 0,6-1,9 ppm có thể làm suy giảm chức năng phổi, nếu mức độ phơi nhiễm cao có thể đột biến gene, dẫn tới ung thư. Người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp thường dễ bị ảnh hưởng bởi loại khí độc hại này.
Lớp sơn phủ đồ nội thất bằng gỗ nhân tạo chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) khác như benzen, perchloroethylene... phát thải vào không gian sống trong thời gian dài. Các chất này vào cơ thể có thể gây hại đến hệ hô hấp, mắt, mũi, họng, hệ thần kinh trung ương, gan, thận.
Để phòng tránh, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi chọn gỗ công nghiệp làm đồ nội thất. Không nên ham rẻ mà chọn mua những sản phẩm tủ bếp gỗ công nghiệp chất lượng kém với quy trình sản xuất không đảm bảo.
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |