Chướng bụng đầy hơi kéo dài là tình trạng vùng bụng bị căng tức, khó chịu trong nhiều ngày liên tục, có thể tiến triển từ nhẹ, trung bình đến nặng.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết triệu chứng này xuất hiện do rối loạn tiêu hóa, thay đổi nội tiết hoặc một số nguyên nhân từ chế độ ăn uống, bệnh lý dưới đây.
Kém hấp thu carbohydrate là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Triệu chứng gồm chướng bụng, đầy hơi khi ăn một số loại carbohydrate như sữa, lúa mì, đậu, đường fructose...
Phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non (Small intestinal bacterial overgrowth - SIBO) xảy ra do một số thay đổi về giải phẫu đường tiêu hóa hoặc nhu động ruột, thiếu bài tiết axit dạ dày. Số lượng vi khuẩn trong ruột non tăng quá cao làm cản trở tiêu hóa.
Nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, uống đồ uống có ga, thói quen ăn uống quá nhanh gây nuốt không khí nhiều hơn bình thường, có thể dẫn đến đầy hơi.
Thực phẩm sinh hơi như đậu, bắp cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc, măng tây, hành, lê, lúa mì, cám yến mạch, đậu hà lan, khoai tây cũng là nguyên nhân dẫn đến căng tức, khó chịu vùng bụng.
Táo bón thường do chế độ ăn thiếu chất xơ, không dung nạp thức ăn, ảnh hưởng từ thai kỳ, rối loạn vi sinh đường ruột, thiếu hụt magie hay tác dụng phụ từ một số loại thuốc.
Phân mắc kẹt trong đại tràng, không được tống ra ngoài làm chướng bụng, đầy hơi kéo dài. Người bệnh nên đi khám sớm nếu triệu chứng không bớt.
Tắc ruột non, ruột già làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến nôn ói nhiều, tăng khí ở bụng và khó chịu. Nguyên nhân tắc nghẽn có thể do khối u, mô sẹo, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng...
Liệt dạ dày là rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động làm rỗng dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm hơn bình thường. Triệu chứng bệnh gồm chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, táo bón, nôn ói và no nhanh sau khi ăn.
Khó tiêu chủ yếu do ăn quá no, uống nhiều rượu, dùng thuốc kích ứng dạ dày hoặc nhiễm trùng hệ tiêu hóa. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đầy hơi kéo dài.
Tăng cân gây tiêu chảy và chướng bụng kéo dài, chủ yếu xảy ra khi cơ thể tăng 4-5 kg trở lên, làm thay đổi thể tích vùng bụng và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa.
Các vấn đề thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn tiền mãn kinh dễ gây đầy bụng. Nguyên nhân do hormone estrogen tăng đột biến, progesterone giảm xuống, gây tích nước trong cơ thể. Hai hormone này có mối liên hệ mật thiết với hệ thống tiêu hóa. Estrogen và progesterone đều làm giảm hoặc tăng nhu động ruột dẫn đến chướng bụng, đầy hơi kéo dài.
Báng bụng là tình trạng tích tụ nước trong khoang bụng, có thể do xơ gan, bệnh thận mạn, suy tim.
Suy tụy xảy ra khi chức năng tuyến tụy rối loạn, làm giảm khả năng tiết enzym và tiêu hóa thức ăn, khiến người bệnh chướng hơi, khó tiêu. Triệu chứng của người bệnh ung thư tụy nghiêm trọng hơn, điển hình như chướng bụng, vàng da, sụt cân, giảm cảm giác thèm ăn, đau vùng thượng vị lan ra sau lưng...
Viêm hoặc loét dạ dày tá tràng chủ yếu do nhiễm Helicobacter pylori (HP), thói quen ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia, thực phẩm chua cay. Triệu chứng thường gặp là đầy hơi, khó tiêu, đau bụng. Bệnh kéo dài dễ dẫn đến triệu chứng chán ăn, buồn nôn, đau thượng vị, sụt cân. Ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp người bệnh bớt các triệu chứng khó chịu.
Ung thư buồng trứng, tử cung, đại tràng cũng dễ dẫn đến chướng bụng đầy hơi kéo dài.
Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Mỗi người nên thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, bổ sung đủ nước, lợi khuẩn. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể được can thiệp phẫu thuật để điều trị hiệu quả.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |