Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở dưới cổ, có hai thùy gồm thùy trái và thùy phải. Tuyến giáp chịu trách nhiệm giải phóng hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất. Các hormone do tuyến giáp tiết ra điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể bao gồm nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ cơ thể, chức năng hệ thần kinh.
Bướu giáp đa nhân thùy phải là bướu nằm ở thùy phải của tuyến giáp, có một hoặc nhiều nốt sần phình to. BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, khi tuyến giáp bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu bị bướu giáp nhân thùy phải, tuyến giáp vẫn có thể tiếp tục hoạt động tốt và sản xuất đủ lượng hormone cho cơ thể. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp bị bướu giáp nhân thùy phải không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.
Phần lớn các trường hợp bị bướu giáp nhân thùy phải do các vấn đề sau:
Sản xuất hormone tuyến giáp không hiệu quả: Khi tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone giáp sẽ bù đắp bằng cách phình to. Nguyên nhân phổ biến khiến tuyến giáp hoạt động không hiệu quả do thiếu iốt. Một số nguyên nhân khác bao gồm tiếp xúc phóng xạ, di truyền...
Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp làm sưng tuyến giáp, tạo ra các khối to như khối u ở cổ. Nguyên nhân phổ biến gây viêm tuyến giáp do bệnh tự miễn còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp gây sưng viêm. Trẻ em bị viêm tuyến giáp Hashimoto có nguy cơ mắc bướu giáp nhân thùy phải cao hơn. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác do viêm tuyến giáp sau sinh, có khoảng 5% phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh. Một số trường hợp bị viêm tuyến giáp do tác dụng phụ của thuốc.
Khối u tuyến giáp: Các khối u tuyến giáp thường lành tính nhưng có thể là ung thư. Hầu hết các khối u là nhân phình to, chúng có thể xuất hiện dưới dạng phì đại toàn bộ tuyến.
Thiếu iốt: Iốt có vai trò giúp tuyến giáp sản sinh ra hormone giáp. Thiếu iốt trong chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây ra bướu giáp và bướu giáp nhân thùy phải.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, bướu giáp nhân thùy phải khá phổ biến, có khoảng 1/3 nữ giới và 1/5 nam giới bị bệnh. Bướu này thường lành tính, dưới 5% trường hợp ung thư, do vậy, cần xét nghiệm để xác định nhân giáp có phải ác tính hay không.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường có chỉ định điều trị phù hợp. Người bệnh bướu giáp đa nhân lành tính không cần điều trị đặc hiệu. Bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc nhằm ngăn chặn sự phát triển hoặc giảm kích thước của nhân. Với bướu giáp ác tính, người bệnh cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Cường giáp được điều trị bằng nhiều cách bao gồm điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
Người mắc bệnh bướu giáp nhân thùy phải đang điều trị bằng thuốc hay đã phẫu thuật cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh bướu lành tính không phẫu thuật cần theo dõi lâu dài, nếu không thấy bướu tăng kích thước cần theo dõi từ 3-5 năm. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp cần theo dõi và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ về thuốc, chế độ ăn, chế độ tập luyện, thời gian tái khám định kỳ.
Đinh Tiên