Trả lời:
Tuyến giáp có hình bướm, nằm trước dưới cổ, sản xuất các hormone kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể. Bất kỳ sự gia tăng nào về kích thước của toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp đều gọi là bướu cổ.
Bướu giáp đa nhân (phình giáp đa hạt) là tình trạng bướu cổ có nhiều nốt (nhân). Các nhân to có thể được nhìn thấy rõ ràng hoặc phát hiện tình cờ khi siêu âm. Bướu giáp đa nhân có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp cao hơn. Do đó, khi bị bướu giáp đa nhân, bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường có thể chỉ định sàng lọc ung thư tuyến giáp.
Hầu hết các bướu giáp đa nhân đều lành tính, chưa cần điều trị bằng thuốc nhưng phải đi khám định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để theo dõi, sớm phát hiện các bất thường. Nếu bướu giáp đa nhân độc (sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp dẫn đến cường giáp), chèn ép thanh quản, thực quản, khí quản gây khó nuốt, khó thở bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân gồm thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tùy từng tình trạng người bệnh mà bác sĩ tư vấn phương án tối ưu, thậm chí kết hợp cả 3 phương pháp để mang lại hiệu quả.
Trong đó, phương pháp thuốc kháng giáp methimazole và propylthiouracil thường được sử dụng để điều trị tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), bướu giáp đa nhân hóa độc, phụ nữ cường giáp khi mang thai. Thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Nó còn được dùng điều trị ngắn hạn cho người bệnh cường giáp để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tuyến giáp hoặc dùng iốt phóng xạ. 5% những người dùng thuốc kháng giáp methimazole và propylthiouraci bị ngứa, phát ban, nổi mề đay, sưng - đau khớp, sốt, thay đổi khẩu vị, buồn nôn và nôn.

Người dùng thuốc kháng giáp methimazole và propylthiouraci có thể bị ngứa, phát ban, nổi mề đay... Ảnh: Freepik
Nếu người bệnh gặp tác dụng phụ, bác sĩ có thể cho chuyển sang loại thuốc khác hoặc đổi phương pháp điều trị. Tuy nhiên, khoảng một nửa số người bị tác dụng phụ với một loại thuốc sẽ có tác dụng phụ tương tự với thuốc kia. Hiếm khi xảy ra các tác dụng phụ nặng nhưng người bệnh vẫn cẩn trọng khi dùng thuốc kháng giáp. Dưới đây là tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc.
Tuyệt lạp bạch cầu (bạch cầu hạt dưới 500 con/uL): Đây là sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất các tế bào bạch cầu. Tình trạng này rất nghiêm trọng nhưng chỉ ảnh hưởng đến 1/200-500 người dùng thuốc kháng giáp. Người lớn tuổi dùng propylthiouracil và những người dùng liều cao methimazole có nguy cơ bị tác dụng phụ này cao hơn.
Giảm bạch cầu hạt thường xảy ra trong 3 tháng đầu dùng thuốc kháng giáp. Nếu người bệnh bị đau họng, sốt hoặc các triệu chứng khác của nhiễm trùng nên ngừng thuốc và khám với bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để xét nghiệm công thức máu tổng quát. Bởi nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.
Tổn thương gan: Tác dụng phụ hiếm gặp khi dùng thuốc kháng giáp, nhất là propylthiouracil. Tổn thương gan liên quan đến dùng propylthiouracil thường xảy ra trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Nếu người bệnh bị vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt, đau bụng, chán ăn, buồn nôn hoặc các triệu chứng khác của rối loạn chức năng gan nên ngừng thuốc ngay lập tức. Người bệnh đi khám bác sĩ để được đánh giá chức năng gan. Suy gan liên quan đến propylthiouracil nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng.
Bướu giáp đa nhân hầu hết lành tính, nhưng nhiều trường hợp là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp. Người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh. Người bệnh bướu giáp đa nhân cần khám với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường ở bệnh viện có máy móc, trang thiết bị hiện đại để có kết quả xét nghiệm chính xác, điều trị hiệu quả.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM