Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng lên, ở phần thấp nhất của trực tràng và hậu môn. Triệu chứng gồm chảy máu kéo dài dẫn đến thiếu máu, ngứa, đau, tăng nguy cơ biến chứng huyết khối và nghẹt búi trĩ. Trĩ gồm hai loại trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ ngoại ngay khi xuất hiện đã nằm ở rìa ngoài của hậu môn. Trĩ nội hình thành ở phía trong, khi búi trĩ lớn có thể sa ra ngoài khi đại tiện.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh trĩ có xu hướng tăng trong những ngày hè, nắng nóng kéo dài. Nguyên nhân do nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nếu không uống đủ nước dễ gây táo bón, từ đó tăng nguy cơ mắc trĩ hoặc bệnh trở nặng hơn. Chế độ ăn uống không khoa học cũng là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm mùa hè dễ bị biến chất, ăn phải các món đã ôi thiu có thể dẫn đến viêm ruột cấp tính, gây tiêu chảy, tạo điều kiện cho bệnh trĩ biểu hiện.
Nhiều người có thói quen ít vận động khi nắng nóng, chủ yếu ở trong nhà có điều hòa mát mẻ. Ít hoạt động gây ảnh hưởng tới tiêu hóa, kích thích bệnh trĩ phát triển. Bác sĩ Khanh giải thích ở người có tiền sử bệnh trĩ, nhiệt độ cao làm tăng mức độ giãn mạch dẫn đến búi trĩ sưng to đau đớn. Người bị trĩ cấp độ 4 kèm rỉ nước, mồ hôi toát ra nhiều trong mùa nóng khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây mùi hôi, viêm nhiễm búi trĩ. Các yếu tố gây trĩ khác như đi đại tiện lâu làm tăng áp lực ổ bụng, phụ nữ có thai, người phải nâng vác vật nặng, ngồi lâu, độ tuổi.
Trĩ có thể âm thầm mà không có triệu chứng, phát hiện tình cơ khi nội soi hậu môn trực tràng hoặc đại tràng. Biểu hiện là đại tiện phân máu đỏ tươi, có thể phun thành tia, nhỏ giọt khi đại tiện hoặc chỉ có máu dính theo phân, ngứa vùng hậu môn. Đau nhiều xuất hiện khi búi trĩ bị nghẹt hoặc có huyết khối.
Theo bác sĩ Khanh, ít bệnh nhân tới khám bệnh trĩ ở giai đoạn sớm. Hầu như các trường hợp đều tới khám khi bệnh đã ở giai đoạn sau, hậu môn bị chảy máu đột ngột hoặc trĩ đã sa gây nghẹt và huyết khối. Đối với bệnh trĩ nội cấp độ nhẹ (1,2), trĩ ngoại không biến chứng, bác sĩ áp dụng điều trị nội khoa. Một số loại thuốc tân dược dạng uống và tác dụng tại chỗ như mỡ bôi, thuốc đặt giúp giảm đau, chống viêm sưng, co mạch cầm máu nhanh.
Ở cấp độ bệnh trĩ nội nặng hơn như 3, 4, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật. Phát hiện sớm bệnh trĩ để có biện pháp điều trị đúng giai đoạn giúp người bệnh giảm đau, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo kiểm tra sức khỏe định kỳ, đi khám ngay khi có triệu chứng như hơi ngứa ở hậu môn, đau rát nhẹ khi đi đại tiện, có máu lẫn trong phân hoặc máu dính vào giấy lau với lượng ít, chất nhầy ở hậu môn... Đề phòng và tái phát trĩ cấp mùa nắng nóng bằng cách ăn uống sinh hoạt điều độ, phòng tránh tránh táo bón. Ăn nhiều rau xanh, củ quả, uống nhiều nước. Không lạm dụng nước ngọt, nước có gas, cà phê; hạn chế rượu, bia, đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu... Tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |