Nốt ruồi hình thành khi các tế bào sắc tố trong da phát triển thành từng đám, có xu hướng xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, tay, vai và cổ. Hầu hết người lớn có từ 10 đến 40 nốt ruồi. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), người từ 50 nốt ruồi trở lên có nguy cơ cao bị ung thư da. Nếu bạn có một số lượng lớn nốt ruồi nhưng không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác thì cũng có nguy cơ phát triển ung thư vú ở mức trung bình.
Theo một nghiên cứu năm 2014 của Nhóm nghiên cứu triển vọng E3N của Pháp, phụ nữ có nhiều nốt ruồi hơn có thể có nguy cơ cao bị ung thư vú thời kỳ tiền mãn kinh. Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ của hơn 89.900 phụ nữ ở Pháp, trong đó, có hơn 5.950 người phát triển ung thư vú. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có rất nhiều nốt ruồi có nhiều khả năng phát triển bệnh ung thư vú và tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Một nghiên cứu khác năm 2014 của Viện Ung thư Đại học Y Thiên Tân (Trung Quốc) cũng có phát hiện tương tự. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu sức khỏe trong 24 năm của hơn 74.520 nữ y tá, trong đó, có khoảng 5.480 người bị ung thư vú xâm lấn. Những y tá không có nốt ruồi ít bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hơn những người có một số nốt ruồi. Các y tá có 15 nốt ruồi trở lên có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 3%.
Các nhà khoa học ở hai nghiên cứu trên đều đưa ra giả thuyết rằng hormone có thể đóng vai trò trong việc phát triển bao nhiêu nốt ruồi trong suốt cuộc đời. Mức độ hormone estrogen có thể liên quan đến việc phát triển ung thư vú và số lượng nốt ruồi cao hơn.
Phân biệt nốt ruồi thường và ung thư
Nốt ruồi ở bất cứ đâu trên cơ thể đều có thể trở thành ác tính. Nốt ruồi ung thư là một triệu chứng của khối u ác tính, loại ung thư da phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, u ác tính có thể được loại bỏ một cách an toàn, không xâm lấn và trước khi các tế bào ung thư di căn.
Nốt ruồi ung thư trông hơi khác so với những nốt ruồi thông thường. Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến nghị sử dụng quy tắc ABCDE để xác định nốt ruồi có nguy cơ ung thư. Cụ thể, không đối xứng (A): hình dạng nốt ruồi trên một nửa có thể khác với nửa còn lại; đường viền (B): nốt ruồi có đường viền rách nát hoặc không đồng đều thay vì hình tròn; màu (C): nốt ruồi không đều màu thay vì chỉ một sắc tố với màu hồng, đen, trắng hoặc xám. Đường kính (D): nốt ruồi phát triển về kích thước, trông dày hơn; đang phát triển (E): nốt ruồi trông khác so với cách đây vài tuần hoặc vài tháng cũng là yếu tố cho thấy nguy cơ ung thư.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngoài việc có nhiều nốt ruồi, nguy cơ ung thư vú cao hơn còn liên quan đến các yếu tố như tiền sử gia đình có người thân bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng; lịch sử sinh sản như không mang thai trước 30 tuổi, không mang thai đủ tháng và không cho con bú; đột biến gene; xạ trị, liệu pháp thay thế hormone và một số loại thuốc. Ngoài ra, uống nhiều rượu và ít hoạt động thể chất cũng có khả năng mắc ung thư vú cao hơn.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ. Theo nghiên cứu năm 2021 của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trong 10 trường hợp chuẩn đoán ung thư mới mỗi năm thì có một ca ung thư. Nhận biết các yếu tố nguy cơ giúp phát hiện bệnh dễ dàng và điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Mai Cát
(Theo Healthline)