Béo phì là tình trạng chất béo dư thừa trong cơ thể, khi chỉ số cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, béo phì làm tăng axit béo tự do và thay đổi tế bào mỡ. Sự thay đổi này gây hội chứng chuyển hóa, bao gồm kháng insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp, là nguyên nhân gây bệnh hệ tiêu hóa. Tác động cơ học của béo phì gây bệnh thực quản và một số triệu chứng tiêu hóa.
Các bệnh lý thực quản
Theo Tiến sĩ Khanh, béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc triệu chứng và biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) như viêm thực quản ăn mòn, barrett thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản. Béo phì là nguyên nhân thường gặp các vấn đề trào ngược axit, ợ nóng. Tăng cân làm tăng áp lực trong ổ bụng dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có biểu hiện tại đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa. Triệu chứng điển hình tại đường tiêu hóa là nóng rát sau xương ức, trào ngược dịch lên thực quản thậm chí lên miệng... Biểu hiện ngoài thực quản như viêm họng mạn tính do trào ngược, hen phế quản, xơ hóa phổi vô căn, mòn răng...
Các bệnh lý dạ dày
Tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày có thể cấp tính hoặc mạn tính. Béo phì là yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày ăn mòn. Nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy, mối liên quan giữa béo phì với ung thư dạ dày ở những người thừa cân trong độ tuổi 20. Nguy cơ tiến triển ung thư ở người béo phì cao hơn 60-80% so với người có cân nặng bình thường, khỏe mạnh.
Các bệnh đại tràng
Tiến sĩ Khanh cho biết, béo phì làm tăng tỷ lệ phát triển túi thừa đại tràng, dẫn tới tăng các bệnh túi thừa như chảy máu túi thừa đại tràng, viêm túi thừa đại tràng cấp tính, áp xe túi thừa đại tràng, nặng hơn là có thể áp xe và thủng túi thừa đại tràng. Cân nặng quá dư thừa làm tăng khả năng xuất hiện các polyp đại tràng, đồng thời cũng tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Sỏi mật
Người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật, viêm túi mật và cholesterol cao hơn khi so sánh với người bình thường. Vòng bụng là yếu tố nguy cơ của các bệnh về túi mật, không phụ thuộc vào chỉ số BMI. Mối liên quan này là do tích mỡ bụng, tăng insulin máu, kháng insulin, tăng cholesterol máu, tăng lipid máu và rối loạn chức năng túi mật.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Thừa cân quá nhiều làm tăng nhiễm mỡ ở gan gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Những người này có nguy cơ viêm gan nhiễm mỡ, tiến triển xơ hóa gan, xơ gan và có thể gây ra ung thư gan.
Tiến sĩ Khanh khuyên, người thừa cân hoặc có nguy cơ béo phì nên ngăn ngừa tăng cân bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều thực phẩm ít calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế đường và rượu, thực phẩm chiên rán... Những người này cần theo dõi cân nặng để duy trì trọng lượng phù hợp, giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa.
Lục Bảo