Viêm teo niêm mạc dạ dày là tình trạng viêm dạ dày mạn tính nhưng không được điều trị. Nhiều trường hợp khác, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm tế bào khỏe mạnh trong niêm mạc dạ dày gây viêm, gọi là viêm teo dạ dày tự miễn.
Nguyên nhân, triệu chứng
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Đình Thành, Khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh), nguyên nhân gây viêm phổ biến nhất là do vi khuẩn H.pylori (HP) gây ra. Vi khuẩn lây truyền từ người bệnh sang người lành qua phân, dịch nôn, nước bọt, thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn. Việc tiếp xúc này diễn ra từ khi người bệnh còn bé và âm thầm làm tổn thương dạ dày trong nhiều năm mà không có biểu hiện rõ rệt.
Khi đi vào bên trong, vi khuẩn phá vỡ hàng rào chất nhầy bảo vệ niêm mạc khỏi sự tấn công của axit dạ dày. Các ổ nhiễm trùng phá hủy dần các tế bào trong niêm mạc. Vi khuẩn HP cũng kích hoạt khả năng sản xuất kháng thể tấn công vào cả tế bào lành và tế bào bệnh của dạ dày. Niêm mạc dạ dày sẽ mất khả năng tiết ra axit để tiêu hóa thức ăn. Kháng thể cũng tấn công một loại protein đặc biệt do tế bào dạ dày tiết ra giúp hấp thu vitamin B12, khiến cho cơ thể không sản sinh đủ hồng cầu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến bệnh thiếu máu ác tính.
Bác sĩ Đình Thành cho biết thêm, nhiều trường hợp viêm teo dạ dày không có triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, nếu nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, ăn không ngon, sụt cân bất thường... Các triệu chứng có liên quan đến thiếu hụt vitamin B12 gồm thiếu máu do thiếu sắt, mệt mỏi, choáng váng, tức ngực, ù tai, tim đập nhanh, tê tay, ngứa châm chích, đi không vững, rối loạn tâm thần...
Người bệnh bị viêm teo dạ dày thường đến bệnh viện khi có triệu chứng về đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể ấn nhẹ qua da vào vị trí dạ dày để kiểm tra độ căng, quan sát màu da, bắt mạch... nhằm đánh giá tình trạng thiếu vitamin B12. Bác sĩ chỉ định người bệnh xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ huyết sắc tố (Hb), mức vitamin B12, kháng thể tấn công tế bào dạ dày và yếu tố nội tại (nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm teo dạ dày tự miễn). Bác sĩ còn chỉ định nội soi dạ dày để quan sát tình trạng niêm mạc và lấy mẫu mô kiểm tra dấu hiệu nhiễm vi khuẩn HP; kiểm tra hơi thở (xét nghiệm thổi bóng tìm vi khuẩn HP), kiểm tra kháng nguyên HP trong phân.
Điều trị
Việc điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày tập trung vào mục tiêu loại bỏ vi khuẩn HP. Người bệnh có thể được cho dùng hai loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, dự phòng tình trạng kháng thuốc. Bác sĩ còn chỉ định dùng thêm các thuốc giúp ức chế khả năng sản xuất axit của dạ dày để chữa lành các tổn thương ở niêm mạc. Người bị viêm teo dạ dày tự miễn có thể được điều trị thêm bằng cách tiêm vitamin B12.
Theo bác sĩ Đình Thành, ngăn ngừa viêm teo niêm mạc dạ dày rất khó. Nhưng có thể giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Ăn chín, uống sôi, không dùng các loại rau quả khi chưa rửa sạch. Trước và sau khi đi vệ sinh, nấu ăn, mọi người cần rửa tay sạch sẽ. Khi chăm sóc trẻ nhỏ, người bệnh cần đảm bảo vệ sinh tay sau khi xử lý chất thải, quần áo bẩn. Phụ huynh nên rèn luyện thói quen vệ sinh tay cho trẻ từ sớm để dự phòng nguy cơ nhiễm HP khi còn bé, dẫn đến viêm teo dạ dày khi trưởng thành.
Mỗi người nên bảo vệ dạ dày bằng cách hạn chế rượu bia, thực phẩm nhiều gia vị cay, chua; dùng thuốc aspirin, thuốc giảm đau cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát căng thẳng, chia nhỏ bữa ăn cũng là cách ngăn ngừa nguy cơ viêm dạ dày.
Hân Thái