Thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thành phần điển hình của hương (nhang) gồm 21% bột thảo dược và gỗ, 35% chất tạo mùi, 11% bột kết dính, 33% que tre (tính theo trọng lượng). Trước đây khói hương ít độc do hầu hết được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu hoặc các hương vị thuốc bắc. Hiện, nhiều loại hương có thể được làm từ bột đá vôi trong xây dựng, chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân... Một số loại tăm hương được ngâm trong axit photphoric (H3PO4) để tàn uốn cong hơn khi đốt.
Khi đốt, tăm hương và bột làm than hương tỏa ra bụi mịn; khí độc như CO, CO2, NO2, SO2, formaldehyde.... Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại như benzen, toluene, xylene, aldehyd và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), gây ô nhiễm không khí.
Theo bác sĩ Tam, đốt nhang tạo ra trung bình hơn 45 mg bụi mịn trên mỗi gam hương được đốt, trong đó có các hạt PM2.5. Chúng có thể tồn tại trong không khí nhiều giờ. Ngay cả khi tiếp xúc ngắn với khói hương, chức năng hàng rào biểu mô mũi họng cũng có thể bị phá vỡ, gây phản ứng dị ứng, kích hoạt cơn hen suyễn tái phát.
Thường xuyên tiếp xúc với khói hương có thể gây dị ứng da và mắt, nhức đầu, kích ứng đường thở, tăng stress oxy hóa, khởi phát các đợt cấp của hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Người hít lâu tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư phổi, tử vong.
Dịp Tết nhu cầu thắp hương, cúng lễ tại nhà, đền chùa tăng cao. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp khởi phát bệnh hô hấp do có yếu tố tiếp xúc với khói hương.
Như chị Lâm, 43 tuổi, Hà Nội, nhập viện ngày 14/2 do ho nhiều, tức ngực, khó thở nặng. Chị từng mắc hen suyễn cách đây một năm; một tháng nay, tự ý ngưng thuốc do cảm thấy khỏe hơn. Gia đình chị mới lập điện thờ tại nhà. Những ngày gần đây có nhiều người đến thắp hương, cúng lễ.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị hen suyễn tái phát do tiếp xúc nhiều với khói hương. Chị Lâm được thở oxy, khí dung, sử dụng thuốc hít xịt điều trị, hiện sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Tam khuyên các gia đình hạn chế đốt hương nhiều và liên tục trong không gian kín. Khi thắp hương nên mở cửa phòng, cửa nhà cho không khí lưu thông. Chọn loại hương được làm từ nguyên liệu tự nhiên an toàn, không ngâm tẩm nhiều hóa chất, hương liệu nhân tạo. Vị trí cắm hương nên tránh xa mâm cỗ, không cắm lên đồ ăn, tránh để tàn hương rơi vào thức ăn có thể gây ngộ độc khi sử dụng. Tránh đốt hương gần giường ngủ, rèm cửa... đề phòng nguy cơ cháy nổ.
Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, COPD, cơ địa dị ứng... nên hạn chế tiếp xúc với khói hương. Khi có dấu hiệu khó thở, chóng mặt, buồn nôn do tiếp xúc với khói hương, cần nhanh chóng rời khỏi khu vực đó và nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí.
Thời tiết diễn biến thất thường khiến cơ thể dễ mắc các bệnh hô hấp. Bác sĩ Tam khuyến cáo mọi người ăn đa dạng thực phẩm chứa nhiều vitamin C, E, A, D, omega-3, kẽm và selen... Uống đủ nước, bỏ hút thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc; rèn luyện thể dục thể thao vừa sức tối thiểu 5 ngày một tuần, mỗi ngày 30 phút, tập hít thở sâu khoảng 5-10 phút mỗi ngày. Tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu, ho gà giúp tạo hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể. Người bệnh hen suyễn cần chủ động đến bệnh viện khám định kỳ; không tự ý thay đổi liều thuốc, ngưng thuốc.
Trịnh Mai
* Tên người bệnh đã được thay đổi