Bà Tâm cao 1,52 m, nặng 77 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) 33, thuộc dạng béo phì nặng. Kết quả đo mật độ xương người bệnh -3,5, trong khi từ -2,5 là loãng xương mức độ nặng. Ngày 3/1, ThS.BS.CKI Vũ Đức Thắng, khoa Ngoại Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Tâm bị thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh kèm vẹo cột sống, kéo dài từ đốt sống L1 đến S1. Lâu nay bà chỉ điều trị bảo tồn bằng châm cứu, bấm huyệt..., bệnh nghiêm trọng hơn, phải đi lại bằng xe lăn.
Theo bác sĩ Thắng, phẫu thuật là cách duy nhất có thể giúp người bệnh hết đau và khôi phục vận động. Phương pháp được chỉ định là bắt vít cột sống nhằm cố định và nâng đỡ các đốt sống, giải phóng dây thần kinh và đĩa đệm bị chèn ép, đồng thời điều chỉnh lại đường cong sinh lý cột sống. "Nguy cơ biến chứng trong và sau mổ rất cao vì người bệnh bị béo phì và loãng xương nặng", bác sĩ Thắng nói, cho hay đây là ca mổ khó.
Loãng xương nặng dễ gây nguy cơ di lệch hoặc tụt vít, gãy xương khi thực hiện bắt vít. Do đó, bác sĩ bắt vít rỗng bơm xi măng, loại vít y tế chuyên dụng rỗng ruột, có các lỗ nhỏ trên thân. Sau khi bắt vít vào đốt sống, bác sĩ bơm xi măng sinh học vào vít. Xi măng này tràn ra ngoài qua những lỗ nhỏ trên thân vít, bám chắc vào và làm cứng thân đốt sống, tránh nguy cơ lỏng vít. Ca phẫu thuật trong 4 giờ, bác sĩ dùng 12 vít cố định 6 đốt sống cho bà Tâm.
Sau phẫu thuật, các đốt sống lành vẫn có nguy cơ xô lệch, cong vẹo, tổn thương thần kinh do áp lực từ tình trạng béo phì. Các bác sĩ quyết định cho bà Tâm truyền loãng xương. Đây là phương pháp bổ sung canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác cho xương theo đường tiêm, giúp tăng cường mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Người bệnh cũng được hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng nhằm tăng cường sức mạnh các cơ. Về lâu dài, bà Tâm cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng.
Hậu phẫu, bà không còn đau, có thể đi lại. Thời gian điều trị và hậu phẫu chỉ kéo dài 6 ngày.
Béo phì và loãng xương là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau, đẩy nhanh tốc độ tổn thương xương khớp, cột sống. Cụ thể, béo phì làm tăng áp lực lên các khớp, khiến sụn trơn ở đầu xương bị mài mòn và tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm xương khớp, đau và cứng khớp. Thừa cân cũng gây áp lực lên gân và các mô liên kết quanh khớp, có thể dẫn đến viêm gân. Tình trạng này thường xảy ra ở các khớp chịu lực nhiều như đầu gối, hông, mắt cá chân và cột sống.
Béo phì còn làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương. Tế bào mỡ và tế bào tái tạo xương được sản sinh từ cùng một tế bào gốc. Vì vậy, khi tế bào mỡ được hình thành nhiều hơn, quá trình sản xuất tế bào xương chậm lại, khiến chất lượng xương suy giảm. Khi béo phì, cơ thể còn sản sinh ra một số hoạt chất khác tấn công xương và làm xương yếu đi. Do đó, duy trì cân nặng lành mạnh cũng là một trong những phương pháp bảo vệ sức khỏe xương khớp hiệu quả.
Bác sĩ Thắng cho biết các kỹ thuật hiện đại giúp mổ cột sống đạt hiệu quả cao. Khi mắc bệnh lý cột sống nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sớm phẫu thuật để ngăn ngừa phát sinh biến chứng. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng hiện đại được ứng dụng như mổ nội soi bắt vít sinh học, robot cảnh báo tình trạng chạm vào dây thần kinh, cánh tay C-Arm có khả năng chụp X-quang liên tục giám sát từng thao tác... Nhờ đó, mức độ an toàn của ca mổ được nâng cao, hạn chế tối đa tổn thương các mô lành, người bệnh ít đau, ít mất máu và phục hồi nhanh.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |