Ngày 15/6, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Lê Văn Minh (71 tuổi, TP HCM) cấp cứu trong tình trạng ho ra nhiều máu đỏ tươi, khó thở, choáng váng, mệt mỏi. Đây là lần đầu tiên ông gặp tình trạng ho ra máu với lượng khoảng 300 ml.
Kết quả chụp CT cho thấy người bệnh bị di chứng giãn phế quản tăng sinh mạch máu phế quản sau lao phổi, dẫn đến tình trạng ho khạc ra máu.
Bác sĩ cầm máu cho ông Minh bằng phương pháp nội soi ống mềm hút máu và can thiệp mạch dưới hướng dẫn của máy DSA. Người bệnh đã khạc hết máu bầm đen (còn gọi là đuôi kháng huyết) ra ngoài, sạch phổi. Hiện, sức khỏe ông Minh ổn định, xuất viện về nhà nghỉ ngơi, tránh vận động gắng sức. Ông sẽ tái khám định kỳ, được khuyến cáo tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa phế cầu khuẩn,... tránh tái diễn tình trạng khạc ra máu.
Theo tiến sĩ Mai Khuê, can thiệp nội khoa một ca ho ra máu với lượng nhiều, đang diễn tiến rất khó. Những trường hợp này nếu can thiệp nội khoa thất bại thì phải áp dụng phương pháp phẫu thuật. Sau điều trị nếu ông Minh tiếp tục ho ra máu sẽ được hội chẩn, cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ đoạn phế quản bị giãn. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng phổi có đáp ứng đủ điều kiện phẫu thuật hay không.
Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, cũng là biểu hiện di chứng sau lao phổi thường gặp. Ho ra máu là triệu chứng, biến chứng của giãn phế quản vì các mạch máu ở thành phế quản bị giãn nở to, vỡ.
Với trường hợp người bệnh bị ho ra máu do di chứng giãn phế quản sau lao phổi sẽ áp dụng phương pháp điều trị cầm máu nội khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá lại xem người bệnh có bị tái nhiễm lao hay không để điều trị phù hợp.
Người tiền sử bị lao phổi cần thăm khám. Nếu ho ra máu quá nhiều sẽ gây ngập phổi, dẫn đến tình trạng ho máu sét đánh, suy hô hấp cấp, ngưng thở.
Kim Thành
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.