Người mắc bệnh gout cần tránh thực phẩm chứa nhiều purine như thịt đỏ, nội tạng, hải sản... Lượng lớn purine phân hủy tạo ra axit uric thừa trong cơ thể, hình thành tinh thể trong khớp và gây đau nhức.
Trứng cung cấp protein tốt cho bệnh nhân gout vì purine thấp. Một đánh giá năm 2019 trên Tạp chí Thành phần và Phân tích Thực phẩm kiểm tra hàm lượng purine trong nhiều loại đồ uống, chất bổ sung và thực phẩm khác nhau. Các nhà nghiên cứu nhận thấy bia và các sản phẩm từ động vật có lượng purine cao nhất; trong khi trứng, sữa, trái cây và đồ ngọt có purine thấp hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2015 tại Singapore xem xét ảnh hưởng của các nguồn protein khác nhau đến hơn 62.000 người mắc gout. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa trứng, sản phẩm từ sữa, các loại hạt hoặc ngũ cốc với nguy cơ mắc bệnh.
Thực phẩm có lượng purine thấp kết hợp tốt với trứng bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, trái anh đào (cherry), trái cây và nước ép trái cây, khoai tây, rau, bánh mì, chất béo và dầu lành mạnh (dầu ôliu), quả hạch.
Trứng là loại protein hoàn chỉnh, chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể cần. Chúng cũng cung cấp chất béo, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng có lợi khác. Cách nấu và ăn trứng có thể ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng.
Trứng luộc tốt cho sức khỏe hơn so với các cách chế biến khác vì không cần dầu mỡ, gia vị. Một quả trứng luộc lớn khoảng 78 calo chứa 6,3 g đạm, 5,3 g chất béo, 0,5 g carbohydrate.
Lòng trắng trứng có hàm lượng protein và vitamin B3 cao hơn nhưng lượng calo, cholesterol, vitamin và khoáng chất thấp hơn so với lòng đỏ. Một lòng trắng trứng chứa khoảng 3,6 g protein, không chất béo và 18 calo.
Trong khi đó, lòng đỏ nhiều chất béo và calo hơn, hàm lượng vitamin cao hơn, chứa tất cả vitamin ngoại trừ vitamin C. Một lòng đỏ trứng cung cấp khoảng 2,8 g protein, 4,9 g chất béo và 56 calo.
Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một quả trứng luộc chín có hàm lượng protein cao hơn một chút và ít hơn 13 calo so với trứng bác. Nhìn chung, thành phần dinh dưỡng giữa hai loại vẫn giống nhau.
Không có khuyến nghị chính thức nào về số lượng trứng mà người bệnh gout nên ăn. Hầu hết chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêu thụ trứng ở mức độ vừa phải như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng năm 2018 cho thấy ăn tối đa 12 quả trứng mỗi tuần là an toàn và không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị ăn một hoặc hai lòng trắng trứng mỗi ngày.
Người mắc thêm bệnh tim, cholesterol cao hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng trứng phù hợp. Người bị dị ứng với trứng nên tránh thực phẩm có trứng. Trường hợp xuất hiện triệu chứng tiêu hóa khó chịu như buồn nôn, đầy hơi, đau bụng sau khi ăn trứng có thể không dung nạp. Trao đổi với bác sĩ để được thực hiện xét nghiệm hoặc loại bỏ trứng để xác định xem thực phẩm này có gây ra triệu chứng hay không.
Một số món ăn khác tốt cho sức khỏe người bệnh gout như:
Thịt trắng gồm cá sông, thịt ức gà chứa lượng đạm tương đối cao nhưng lượng purine thấp. Lượng thịt trắng được khuyến cáo sử dụng trong một ngày là 100-170 g.
Trái cây có nhiều vitamin C hỗ trợ cân bằng nồng độ axit uric trong cơ thể nhanh hơn. Vitamin C còn có hiệu quả chống oxy hóa, chống viêm và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên hạn chế rượu bia, uống đủ nước, ưu tiên nước lọc và nước trái cây như nước ép thơm, cam, quýt, chanh, bưởi...
Thường xuyên tập luyện các môn thể thao được khuyến nghị như đi bộ, bơi lội và đạp xe. Vận động ở cường độ vừa phải, 30 phút mỗi buổi, 5 ngày mỗi tuần. Người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, khám định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)