Gout là một dạng viêm khớp xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu cao, dẫn đến lắng đọng và kết tinh các tinh thể quanh khớp, gây sưng, đau.
Chế độ ăn uống góp phần gây bùng phát gout do một số thực phẩm chứa nhiều purine - hợp chất hữu cơ mà cơ thể phân hủy tạo ra axit uric. Người bệnh gout thường được khuyến cáo hạn chế thực phẩm có lượng purine cao, bao gồm thịt đỏ, nhất là nội tạng, một số loại cá, rượu bia, nước ngọt...
Cà chua thân thiện với người bệnh gout bởi giàu chất dinh dưỡng và ít purine. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng chúng có thể làm tăng nồng độ axit uric và gây ra gout ở một số người.
Nghiên cứu năm 2014 tại Bồ Đào Nha trên một nhóm 35 phụ nữ trẻ cho thấy ăn cà chua trước bữa ăn có thể giảm trọng lượng, tỷ lệ mỡ trong cơ thể, mức cholesterol, lượng đường trong máu và axit uric trong máu.
Cà chua cũng rất giàu vitamin C và lycopene đều giúp giảm viêm. Khi tiêu thụ dưới dạng nước ép, nồng độ vitamin C và lycopene của cà chua có thể cao hơn. Loại quả này cũng được chứng minh có tác dụng tăng cường mức độ chống oxy hóa và giảm cholesterol. Vì gout là dạng viêm khớp nên tác dụng giảm viêm có thể giúp giảm khả năng mắc bệnh hơn là tăng nguy cơ.
Nhiều người cho rằng cà chua là tác nhân gây bùng phát bệnh gout. Loại quả này có chứa hai tác nhân tiềm ẩn gây gout là glutamate và axit phenolic. Hàm lượng glutamate và axit phenolic trong cà chua rất nhỏ nhưng một số người bệnh gout vẫn có thể nhạy cảm với chúng.
Điều này được chứng minh bởi một nghiên cứu năm 2015 tại New Zealand, với sự tham gia của 1.450 người bị gout. Trong đó, 20% người cho biết cà chua là nguyên nhân phát triển bệnh. Đây là thực phẩm gây gout phổ biến thứ tư sau cá/hải sản, rượu và thịt đỏ.
Tuy nhiên, yếu tố di truyền được cho là có vai trò quan trọng vì những người tham gia nghiên cứu là người Maori hoặc thuộc một bộ tộc có liên quan. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm này có nguy cơ mắc bệnh gout do thực phẩm cao gấp 4 lần so với người da trắng gốc Âu. Do đó, nguy cơ mắc gout do cà chua có thể chỉ xảy ra ở một số nhóm người nhất định.
Cách tốt nhất để biết cà chua có phải là nguyên nhân gây ra gout hay không là loại bỏ tất cả sản phẩm cà chua khỏi chế độ ăn uống trong vài tuần để xem các triệu chứng có cải thiện không. Ghi lại chi tiết những món mà bạn ăn có thể giúp xác định nguyên nhân. Bạn cần theo dõi cả giấc ngủ, bữa chính và bữa ăn nhẹ, đồ uống, gia vị, lượng nước uống, tâm trạng trong ngày, hoạt động thể chất, tất cả loại thuốc, chất bổ sung đang dùng, các vùng đau trên cơ thể và thời điểm xảy ra.
Nếu bạn nghĩ rằng cà chua là thủ phạm thì tránh sản phẩm cà chua cô đặc như sốt cà chua, sốt BBQ, nước sốt mì ống làm từ cà chua và nước ép. Sau đó, cân nhắc cà chua tươi có ảnh hưởng không vì đây là nguồn dinh dưỡng phong phú. Nếu các triệu chứng đau, sưng khớp vẫn xảy ra, hãy chuyển sang các loại rau và trái cây thân thiện với bệnh gout, giàu vitamin C, lycopene, bao gồm cải xoăn, bắp cải, bí đao, ớt chuông đỏ, cam quýt.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)