Gout là một loại viêm khớp thường gặp ở ngón chân cái. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, bao gồm cả cổ tay. Khi bệnh xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc được gọi là viêm đa khớp. Những người có các yếu tố dưới đây có nguy cơ mắc gout cổ tay cao hơn.
Uống nhiều rượu bia: Đồ uống có cồn chứa hàm lượng purin cao, tạo ra axit uric dẫn đến gout. Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc gout cổ tay, rượu bia còn làm các đợt gout dễ bùng phát.
Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin: Bạn có nguy cơ mắc gout cổ tay cao hơn nếu thường xuyên ăn các thực phẩm tạo ra axit uric như thịt đỏ, đồ uống có đường và hải sản. Axit uric dư thừa có thể tích tụ dưới dạng tinh thể trong các mô gây ra sỏi thận và bệnh gout.

Bệnh gout cổ tay gây ảnh hưởng khả năng hoạt động vùng tay. Ảnh: Freepik
Lịch sử gia đình: Ông bà, cha mẹ mắc gout thì nguy cơ con, cháu mắc bệnh này thường cao hơn. Thứ nhất, một phần là do gen di truyền. Thứ hai là do mọi người sống cùng nhau trong một gia đình, thói quen ăn uống, sinh hoạt sẽ tương tự nhau. Việc này làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Mắc các bệnh mạn tính: Nguy cơ mắc gout cổ tay tăng cao hơn khi mọi người mắc các bệnh như vảy nến, bệnh thận, tiểu đường và tăng huyết áp. Ngoài ra, các tình trạng viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, chấn thương cổ tay cũng làm tăng nguy cơ mắc gout cổ tay.
Nam giới: Nam giới dưới 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh gout cao gấp 4 lần so với nữ giới. Tỷ lệ này cũng đúng với bệnh gout cổ tay.
Tuổi ngày càng cao: Nguy cơ mắc bệnh gout cổ tay xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, các khớp dễ tổn thương hơn, nguy cơ mắc gout cổ tay cũng tăng cao.
Bệnh gout cổ tay không phổ biến như bệnh gout ở ngón chân cái. Triệu chứng diễn ra nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng trong thời gian ngắn, có thể ảnh hưởng đồng thời đến bàn tay và cổ tay. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh gout ở cổ tay hoặc bàn tay có thể bao gồm: sưng cổ tay hoặc bàn tay, nóng, đỏ và đau ở các khớp bị ảnh hưởng, cứng khớp cổ tay, hạn chế vận động do đau và sưng, đau đớn, sốt do viêm, đau đầu, khó chịu.
Bệnh gout không được điều trị có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để tránh những tổn thương không thể phục hồi cho cổ tay. Một số xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán bệnh gout cổ tay bao gồm xét nghiệm máu axit uric, chọc hút dịch khớp, chẩn đoán hình ảnh...
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mục tiêu điều trị bệnh gout là để kiểm soát cơn đau, ngăn chặn các cuộc đợt gout tấn công trong tương lai. Mọi người có thể hạn chế triệu chứng bệnh bằng cách thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, ngừng uống rượu, chọn các hoạt động nhẹ nhàng cho khớp, bao gồm đi bộ, bơi lội và đi xe đạp, luyện tập cổ tay, uống nhiều nước, tránh để cổ tay làm việc quá sức.
Anh Chi (Theo Very Well Health)