Ông Ngọc được bác sĩ cho thực hiện các cận lâm sàng chẩn đoán bệnh hô hấp, kết quả không mắc bệnh lý về phổi. Bác sĩ chỉ định khảo sát bộ câu hỏi tầm soát ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và đo đa ký hô hấp, qua đó thu thập các thông tin, chỉ số liên quan như số lần ngưng, giảm thở trong đêm, lượng oxy trong máu, số lần ngáy, số nhịp thở...
Tất cả thông số trong máy được truyền đến máy chủ của bác sĩ, ghi nhận các biến cố hô hấp xảy ra trong đêm. Ông Ngọc có chỉ số ngưng giảm thở trong giấc ngủ 22 lần mỗi giờ. Bình thường chỉ số ngưng giảm thở là dưới hoặc bằng 5 lần mỗi giờ. Nếu từ 5 lần trở lên, người bệnh được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ.
Ngày 11/3, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Ngọc bị ngưng thở khi ngủ mức trung bình. Độ bão hòa oxy trong máu có lúc thấp dưới 90%. Chỉ số này giải thích được vì sao ông khó ngủ trong thời gian dài, mệt, năng suất làm việc không cao.
Ông Ngọc điều trị ngưng thở khi ngủ và suy hô hấp bằng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) khi ngủ. Thiết bị liên kết với ông bằng mặt nạ ở mũi, giúp đường thở không bị xẹp khi ngủ.
Sau ba đêm điều trị, ông ngủ ngon, sức khỏe hồi phục, không thấy mệt, không còn khó thở, tức ngực.
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê cho biết ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ được định nghĩa là những cơn ngưng thở ngắn kéo dài trên 10 giây, kèm theo giảm 3% độ bão hòa oxy trong máu lặp lại nhiều lần khi ngủ. Hậu quả là giấc ngủ bị gián đoạn, khi oxy máu giảm, sẽ xuất hiện các cơn vi thức giấc (tức các cơn thức giấc cực ngắn) khoảng 3 giây, bệnh nhân hoàn toàn không nhận biết có thức giấc.
Ngưng thở khi ngủ gây giảm chất lượng giấc ngủ, mệt mỏi ban ngày, giảm ham muốn tình dục. Khi bị ngưng thở, áp lực mạch sẽ tăng cao để chống lại việc thiếu oxy, dẫn đến nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch trong đêm như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tăng huyết áp kháng trị, xuất huyết não ban đêm, tạo ra các cơn rung nhĩ và có thể đột quỵ. "Đa số người bệnh đi khám lòng vòng, khiến tình trạng bệnh nặng thêm", bác sĩ Khuê nói.
Đo đa ký hô hấp là kỹ thuật thăm dò cho phép chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ, có giá trị rất tốt trong sàng lọc người bệnh, theo bác sĩ Khuê. Phương pháp cũng giúp tìm ra hội chứng béo phì giảm thông khí, suy hô hấp mạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn cử động chân theo chu kỳ, nghiến răng...
Bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng khác như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), đo chức năng hô hấp, FeNO... để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân gây khó thở khác.
Bình An
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |