Rượu có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, làm chậm nhịp thở, nhịp tim. Rượu bắt đầu ảnh hưởng đến não ngay khi nó đi vào máu. Ở người khỏe mạnh, gan sẽ nhanh chóng lọc rượu, giúp cơ thể đào thải chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, khi bị ngộ độc rượu (tức uống rượu quá mức) gan không thể lọc kịp chất độc. Sự quá tải này gây ra những thay đổi trong não.
Theo Medical News Today, ngộ độc rượu gây ảnh hưởng lâu dài đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não, làm giảm hiệu quả chất dẫn truyền. Rượu phá hủy tế bào não, làm co mô não. Một số người có tiền sử uống rượu thường xuyên dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng làm tổn thương thêm chức năng của cơ quan này. Rượu tác động đến não và cơ thể theo hai cách khác nhau gồm tác động ngắn hạn và tác động dài hạn.
Tác động ngắn hạn
Tác động ngắn hạn của rượu khiến não bị mất ức chế, giảm kỹ năng lập kế hoạch và kiểm soát; thay đổi tâm trạng và sự tập trung; buồn ngủ; giảm trí nhớ... Những người có triệu chứng say nặng hoặc các triệu chứng kéo dài nhiều giờ sau khi uống rượu có nguy cơ cao bị ngộ độc rượu. Etanol trong rượu hoạt động giống như một chất độc. Khi gan không thể lọc chất độc này kịp thời, người uống rượu có thể phát triển các dấu hiệu ngộ độc. Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng duy trì các chức năng sống cơ bản của não.
Các triệu chứng của ngộ độc rượu bao gồm mùi rượu nồng nặc, lú lẫn và nói lắp, phối hợp kém, vấp ngã, nôn mửa, co giật, nhịp tim chậm, ngất xỉu, hôn mê, hạ thân nhiệt, da sần sùi. Ngộ độc rượu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Uống rượu quá liều có thể gây tổn thương não vĩnh viễn ngay cả khi người đó được cứu sống.
Tác động lâu dài
Theo thời gian, ngộ độc rượu có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, dẫn đến hội chứng nghiện rượu ở thai nhi, tăng nguy cơ chấn thương đầu...
Hội chứng Wernicke-Korsakoff: Là một dạng tổn thương não liên quan đến rượu, xảy ra ở những người thiếu thiamine (vitamin B1) nghiêm trọng. Lạm dụng rượu khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng này hơn, làm rối loạn ăn uống nghiêm trọng. Hội chứng này gây suy dinh dưỡng, sụt cân, khó cử động mắt hoặc chuyển động mắt lạ và giật, ảo giác. Suy giảm nhận thức do hội chứng này còn có thể ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực hoạt động bao gồm giọng nói, thị lực, chức năng ruột và bàng quang.
Hội chứng nghiện rượu ở thai nhi: Xảy ra khi một em bé tiếp xúc với rượu trong thời kỳ mang thai. Hội chứng nghiện rượu ở thai nhi ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của hoạt động sống và có thể gây tổn thương não. Các triệu chứng bao gồm thiểu năng trí tuệ, hiếu động thái quá, trí nhớ kém, khó tập trung, phối hợp yếu, các vấn đề về thị giác, thính giác.
Chấn thương đầu: Rượu là một yếu tố nguy cơ dẫn đến các tai nạn gây chấn thương sọ não (TBI) do ngã, tai nạn xe hơi, đánh nhau. Chấn thương đầu kéo theo các biểu hiện như sa sút trí tuệ, khó hình thành ký ức mới, thay đổi tâm trạng hành vi.
Ảnh hưởng tâm lý: Tác động lâu dài khác của rượu đến não là các tác động tâm lý. Người uống rượu thường xuyên thường khó tập trung, thay đổi tâm trạng và trầm cảm. Rượu còn có nhiều tác động tâm lý, bao gồm thay đổi tính cách, khó tập trung, phiền muộn...
Những người có nguy cơ ngộ độc rượu
Theo WebMD, nam giới và người lớn tuổi có tỷ lệ ngộ độc rượu cao. Đàn ông có xu hướng ngộ độc rượu lớn hơn phụ nữ. Những người đang sử dụng một số loại thuốc kê đơn cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc rượu. Ngoài ra, ngộ độc rượu phụ thuộc vào một số yếu tố khác bao gồm kích thước và trọng lượng cơ thể, sức khỏe tổng thể, khả năng uống rượu, thức ăn ăn vào trước đó và liều lượng rượu nạp vào cơ thể. Người có tiền sử sử dụng ma túy cũng có nguy cơ ngộ độc rượu cao.
Khi nghi ngờ ai đó có dấu hiệu ngộ độc rượu, bạn nên gọi cho cấp cứu càng sớm càng tốt, đừng để người đó ở một mình, giữ cho họ tỉnh táo, ngồi thẳng, cho uống nước và mặc đủ ấm. Nếu họ bất tỉnh, hãy để họ nằm nghiêng, chờ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.
Theo Medical News Today, khi có ý định uống rượu, bạn nhớ chỉ uống có chừng mực, đàn ông không nên uống quá 2 ly mỗi ngày và phụ nữ chỉ nên uống một ly, đừng uống khi bụng đói. Tuyệt đối không uống rượu khi bạn đang dùng thuốc theo toa hoặc các loại thuốc khác, không chơi trò chơi uống rượu hoặc sử dụng phễu hoặc ống hút bia, không pha các loại rượu, nước ngọt lại với nhau. Bạn nên chọn loại rượu có rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn.
Những ngày qua, TP HCM ghi nhận liên tiếp các vụ ngộ độc rượu. Tối 4/8, nhóm 8 sinh viên uống rượu không rõ nguồn gốc tại quán thuộc phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TP HCM). Sau cuộc nhậu, 2 người tử vong, 6 người còn lại phải nhập viện điều trị, trong đó, một nữ sinh 20 tuổi được ghi nhận tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não. Đến tối 6/7 và 7/8, một nhóm 5 thanh niên lần lượt nhập viện cũng do ngộ độc rượu. Nguyên nhân được xác định vì rượu pha nhầm với cồn rửa tay.
Hà Phượng