Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 28/8, cả nước có hơn một triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có khoảng 660.250 em đăng ký xét tuyển đại học. Tổng số nguyện vọng được đăng ký là 3,4 triệu. Số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 khoảng 610.000. So với năm ngoái, số này tăng 7,9%. Tỷ lệ đỗ đại học trên tổng số thí sinh xét tuyển cũng tăng từ 91,4% lên 92,7%. Khoảng 48.000 thí sinh (7,3%) trượt đợt 1 năm nay có thể đăng ký xét tuyển bổ sung từ nay đến tháng 12. Hiện nhiều trường thông báo tuyển thêm hàng chục nghìn sinh viên.
Từ các số liệu trên, có thể nhận định rằng, em nào đăng ký nguyện vọng thi đại học cũng sẽ đỗ ít nhất một trường. Thậm chí có em đỗ nhiều trường và không biết nên học trường nào? Điều này vô cùng trái ngược với số liệu trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024. Theo đó, số thí sinh trúng tuyển chỉ đạt khoảng 57% trong tổng số hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay. Thực tế này đang chứng minh một điều rất đáng buồn rằng thi đại học dễ hơn rất nhiều so với thi vào lớp 10 công lập.
Lẽ ra, đối với các em học sinh ở lứa tuổi 15 (thi vào lớp 10), còn non nớt, chúng ta nên mở rộng cánh cửa học tập. Bởi các em còn quá nhỏ, nếu thi trượt hết các nguyện vọng, không có trường nào để học, các em chỉ có bằng tốt nghiệp cấp hai thì không thể xin được việc làm như các em đã tốt nghiệp cấp ba. Học sinh không được học, không xin được việc làm, gánh nặng lại đè lên vai của các bậc làm cha làm mẹ.
Tất nhiên, với các em thi trượt lớp 10 công lập còn có thể đợi kỳ thi năm sau hoặc chọn các loại hình trường khác để học như: trung tâm Giáo dục thường xuyên ở địa phương; trường trung cấp nghề; trường tư thục. Nhưng tôi nghĩ rằng, tất cả các em học sinh đều nên có cơ hội được học tập như nhau. Chỉ những em nào thực sự xuất sắc thì nên thi vào các trường chuyên của Sở và của Bộ.
Nếu có thể làm được như thế thì chắc rằng sẽ không còn nhiều gia đình phải rơi nước mắt vì con thi trượt lớp 10 công lập, vì không có tiền cho con theo học trường tư, vì con còn quá nhỏ đã phải cho đi học nghề, vì con phải học lại thêm một năm để thi lại lớp 10... Sẽ không còn những áp lực nặng nề đè nặng lên vai các em học sinh và các phụ huynh mỗi khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuẩn bị đến.
>> 'Em tôi đóng 31 triệu đồng cho một kỳ năm nhất đại học'
Với các em học sinh đã tốt nghiệp cấp ba, các em đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có thể đủ chín chắn để lựa chọn hướng đi cho riêng mình, khác hẳn các em học sinh vừa tốt nghiệp cấp hai. Với nhiều phương thức tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng như bây giờ, tỷ lệ đỗ đại học đợt 1 đã chiếm 92,7%, nghĩa là còn 7,3% các em trượt nguyện vọng 1 sẽ đỗ nguyện vọng 2 hay nguyện vọng 3 và không có em nào trượt đại học, cao đẳng. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng quá cao, điều này không biết nên mừng hay nên lo? Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp đại học, có nhiều em không có khả năng xin được việc làm.
Hiện có rất nhiều sinh viên học đại học xong, ra trường phải làm trái ngành ngành, nhưng có thu nhập cao, trong khi một số lại thất nghiệp. Có nhiều em là cử nhân đại học nhưng phải đi làm nghề giúp việc, công nhân, lái xe ôm công nghệ, bán hàng online... gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Nguyên nhân cử nhân đại học thất nghiệp thì có nhiều. Thứ nhất, nền kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Thứ hai, tâm lý của nhiều em là phải vào được đại học, nhưng mơ hồ về ngành học của mình. Thứ ba, học đại học chỉ là bước đệm để các em có hành trang cơ bản bước vào đời. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại không nghĩ như thế́ mà ép các em vào bằng được đại học.
Thứ tư, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề hệ thống đào tạo. Đa phần các em chỉ biết học hết cấp ba thì phải vào đại học, cao đẳng, nhưng không xác định được mục đích học xong sẽ làm gì? Đấy là còn chưa kể nhiều em học tập thiếu nghiêm túc, có cái mác cử nhân nhưng không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có những trường hợp, các em chọn ngành nghề sai ngay từ ban đầu, nên sau bốn năm đại học lại quay sang học một nghề khác, làm lãng phí thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình.
Thứ năm, sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp có được việc làm đã khó, làm đúng chuyên ngành lại càng khó hơn. Hằng năm, số lượng sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm rất lớn, song số ứng viên đáp ứng được công việc của nhà tuyển dụng lại không nhiều. Sinh viên Việt Nam chủ yếu là học lý thuyết, ít được cọ sát thực tế, dẫn đến thiếu kỹ năng để làm được việc sau khi ra trường.
Nếu như mất một khoản tiền lớn để nuôi con học đại học rồi con lại thất nghiệp thì quá lãng phí thời gian, tiền bạc. Thời gian qua, chúng ta đã mở quá nhiều trường đại học đến nỗi có những trường mở ra không có sinh viên theo học. Thậm chí, có những em không hề đăng ký xét tuyển vào trường mà vẫn nhận được thông báo trúng tuyển mời học.
Để giải quyết nghịch lý này, tại sao chúng ta không đẩy mạnh công tác định hướng cho các em học nghề ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba? Bao nhiêu năm qua, nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống đào tạo nghề nhưng không thu hút được người học. Vì các trường dạy nghề đa phần chưa gắn với việc làm, học xong mà không đi làm ở đâu được, nên chẳng ai muốn học.
Nếu giải quyết tốt được câu chuyện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp của địa phương, vùng miền thì sau khi tốt nghiệp cấp ba, những em nào thực sự giỏi hãy thi vào Đại học, Cao đẳng. Những em nào học chỉ ở mức trung bình hay những em xác định học xong không biết làm gì thì nên học nghề, vừa có việc làm sớm lại vừa đỡ tốn kém cho cả gia đình và xã hội. Theo tôi, các em đã học xong 12 năm phổ thông thì xét tốt nghiệp luôn và định hướng đào tạo nghề ngay từ lớp 10. Không cần thi tốt nghiệp THPT vì tốn kém, mệt mỏi mà không giải quyết vấn đề gì.
Em nào có khả năng thì thi tuyển ở kỳ thi vào đại học riêng như trước đây. Em nào không có khả năng thì đi học nghề. Ở bậc đại học, các trường cần đào tạo nghiêm túc, không chạy theo thành tích cho điểm ảo, toàn các em sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng ra trường không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thất nghiệp. Với tình trạng cứ thi đỗ đại học là sẽ tốt nghiệp như hiện nay, thì khả năng cạnh tranh càng cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là chuyện không thể tránh khỏi.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm theo đúng nguyện vọng sau khi tốt nghiệp, các trường đại học nên đưa môn học về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Môn học này trang bị cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp kiến thức để có thể tự thành lập công ty tạo việc làm cho chính mình và người khác. Đồng thời, nên có liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mục đích của việc liên kết đào tạo cùng doanh nghiệp mang đến cho sinh viên cơ hội việc làm, đặc biệt là sinh viên năm cuối; giúp các em có thể tiếp cận gần hơn với môi trường làm việc thực tế; tăng sự cọ xát để hoàn thiện bản thân, khẳng định vị thế của sinh viên trên thị trường lao động chất lượng cao.
Vũ Thị Minh Huyền
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.