Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng ra trường thất nghiệp, phải làm các công việc tay chân ngày một gia tăng. Trái với suy nghĩ của các bậc phụ huynh, muốn con mình học đại học, không ít bạn trẻ bây giờ lại có suy nghĩ bỏ đại học, nghỉ ngang, để chuyển hướng sang học nghề. Họ tin rằng con đường này sẽ giúp đi đến thành công nhanh hơn, ít nhất là có việc làm ngay khi học xong. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng có xu hướng tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề hơn là các sinh viên đại học vốn chỉ giỏi lý thuyết hơn thực hành.
Lý giải về nguyên nhân tình trạng bỏ đại học ngày càng tăng cao, độc giả Shiba cho rằng: "Có ba nguyên nhân chính cho tình trạng này:
Thứ nhất, các trường đại học mở ra ồ ạt, nâng chỉ tiêu, giảm điểm chuẩn tuyển sinh, khiến việc vào đại học thời nay rất dễ dàng. Các thế hệ trước vào đại học phải học đến 'trầy da tróc vảy', nhưng tỷ lệ đỗ đại học cả làng, cả xã cũng chỉ có 1-2 người. Do vậy, ngày xưa đỗ đại học thật sự là danh giá, so với ngày nay. Việc quá dễ dàng vào đại học dẫn đến đầu ra dư thừa và tình trạng thất nghiệp tăng cao. Từ đó, người ta không còn coi việc học đại học là con đường duy nhất đến thành công.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam vốn dĩ có bản chất vẫn là nền kinh tế gia công, không thật sự cần đến một lượng lao động ở trình độ đại học lớn như hiện nay (thừa thầy thiếu thợ). Ngay cả ở nhiều nước phát triển, dù trình độ lao động ở mức cao hơn, nhưng vẫn có sự phân bố về các trường nghề, trường cao đẳng.
Thứ ba, học đại học ngày nay tốn kém hơn nhiều so với ngày trước, trong khi học xong vẫn chưa đảm bảo có việc làm và cuộc sống tốt hơn. Thế nên, người ta nghĩ tới những lựa chọn khác có thể cho ra kết quả tốt hơn như xuất khẩu lao động. Không ít địa phương hiện nay, người đi xuất khẩu lao động xây được nhà, mua được xe, nhưng người học đại học xong đi làm mấy năm vẫn không có tích lũy gì.
Theo tôi, nền kinh tế vẫn cần lực lượng lao động có trình độ đại học, nhưng sẽ cần sự chọn lọc nhất định. Những ai xác định học đại học thì nên nghiêm túc với việc học của mình từ lúc cấp ba, thậm chí cấp hai. Và đã học đại học thì nên chọn những trường tốt, còn nếu học những trường làng nhàng thì có lẽ nên thôi".
>> 'Tốt nghiệp đại học bằng giỏi nhưng sao chẳng ai tuyển vào làm việc?'
Lấy dẫn chứng từ thực tế, bạn đọc Kakashi Hatake bình luận: "Em tôi năm nay cũng vừa thi đại học xong, được 25 điểm và rất thích trở thành một lập trình viên. Gia đình tôi sau khi tham khảo đã quyết định cho em học tại trung tâm đào tạo nghề bên ngoài thay vì vào đại học. Ba lý do chính đó là:
1. Thời gian học nghề ngắn hơn đại học (chỉ 2,5 năm so với bốn năm ở đại học). Nếu tính ra, chi phí học rẻ hơn nhiều so với đại học.
2. Trường nghề đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, học viên được thực hành nhiều hơn (70% chương trình). Trong khi đó, chương trình đại học lại chủ yếu dạy lý thuyết, quá ít thực hành.
3. Các trường nghề đều có cam kết việc làm với học viên sau khi tốt nghiệp. Chỉ cần bạn học đạt chuẩn thì không sợ không có việc làm. Điều này không có đại học nào làm được.
Tôi thấy, học đại học cũng tốt, tuy nhiên chưa được tối ưu cho mục tiêu có việc làm ngay sau khi ra trường. Quan trọng nhất vẫn là nỗ lực của bản thân mỗi người chứ không phải chuyện học ở đâu?".
Đồng quan điểm, độc giả Bao Khang liên hệ với giáo dục đại học của các nước trên thế giới: "Tôi làm việc cho một công ty sản xuất của nước ngoài, khi công ty mua máy của Italy, Đức, Ấn Độ hay Trung Quốc, có các bạn bên bán máy qua lắp đặt và hướng dẫn vận hành (tôi hay gọi là chuyên gia). Tôi có thắc mắc xem hệ thống giáo dục và cách các bạn được đào tạo bên đó như thế nào? Hóa ra, các bạn đó rất trẻ và chẳng hề học đại học gì hết. Các bạn tốt nghiệp phổ thông rồi đi làm ngay trong các nhà máy sản xuất máy móc, vừa làm vừa học, cộng thêm được các tiền bối đi trước hướng dẫn chỉ bảo lại. Có vẻ, hệ thống giáo dục của họ khác hẳn chúng ta".
Ủng hộ người trẻ tìm hướng đi mới thay vì lao vào đại học bằng mọi giá, bạn đọc Minh nhấn mạnh: "Tôi thấy mừng vì thế hệ trẻ ngày nay đã bắt đầu hiểu mình cần cái gì, chứ không phải mù quáng đi theo lối mòn vào đại học. Vấn đề còn lại là các công ty, các doanh nghiệp cũng nên thay đổi cách tuyển dụng, trả lương theo năng lực, đóng góp thực tế thay vì bằng cấp. Thậm chí, nếu ai học nghề mà tay nghề cao, có thể được trả lương cao hơn người cầm bằng đại. làm được vây tôi tin sẽ không còn cảnh thừa thầy thiếu thợ như bây giờ".
Thành Lê tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.