Bộ Giáo dục và Đào tạo tối 30/7 cho biết sau 20 ngày mở hệ thống xét tuyển đại học, trong tổng số 951.900 thí sinh, tỷ lệ bỏ xét tuyển là 30,7%, giảm gần 4% so với năm ngoái (gần 326.000 thí sinh). Việc số lượng thí sinh chủ động bỏ xét tuyển đại học ở mức cao trong những năm gần đây đặt ra dấu hỏi về câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh.
Độc giả Moon Autumn lấy ví dụ về trường hợp của bản thân:"Năm 2006, tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn, cầm tấm bằng đại học loại giỏi để đi xin việc, nhưng chẳng nơi nào nhận. Cuối cùng, vì khó khăn quá, tôi đành xin vào bán hàng cho một cửa hàng quần áo. Anh quản lý thấy tôi có bằng đại học loại giỏi nên từ chối khéo: 'Anh biết em làm được việc, nhưng lãng phí bằng cấp quá, hay em cố tìm công việc chuyên môn tốt hơn mà làm', mặc tôi năn nỉ. Sau đó, tôi xin vào làm cho một công ty truyền thông, rồi tự ra ngoài kinh doanh riêng. Đến giờ, tôi cũng không dùng đến tấm bằng loại giỏi của mình một lần nào".
Nói về cuộc đua vào đại học ở Việt Nam hiện nay, bạn đọc Mùa Thu Và Anh nhận định: "Với tâm lý cố học cho cao, nhiều gia đình dốc hết tiền của cho con cái học đại học, mong muốn ra trường có việc làm, lương ổn định. Nhưng thực tế, lượng lớn sinh viên đại học không có việc làm, phải đi làm việc tay chân để có tiền trang trải cuộc sống.
Cứ vậy, sau vài ba năm, họ lãng quên mất kiến thức trong trường vì không được vận dụng vào thực tế, dẫn đến bỏ phí 4-5 năm đại học và 600-700 triệu đồng học phí. Bỏ nhiều công sức, tiền bạc, thời gian cho đại học nhưng cuối cùng vẫn không có việc làm, chấp nhận thực tế cay đắng. Vậy có đáng không?".
Đồng quan điểm, độc giả Ket Cau Thep cho rằng không nên lãng phí thời gian và tiền bạc để vào đại học bằng mọi giá: "Tôi thấy nhiều em đi học đại học cho có vì ở nhà không biết làm gì. 18 tuổi nhưng họ cũng chưa có định hướng ngành nghề mình yêu thích để trau dồi, học hỏi, đỗ được trường nào học trường đó.
Thêm vào đó, các trường đại học cũng đua mở thêm lớp, chuyên ngành một cách tràn lan, không trọng tâm chuyên sâu, tuyển sinh dễ dãi, nên chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất chỉ ở mức rất thấp. Và tất yếu hệ quả là sinh viên ra trường trình độ cũng chẳng có gì nổi bật, không xin được việc là lẽ đương nhiên. Những sinh viên như thế lãng phí thời gian 4-5 năm học cùng nhiều tiền bạc của gia đình mà chẳng để làm gì".
>> Tầm nhìn ngắn hạn của cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Khẳng định đại học không còn là con đường dễ dàng để dẫn đến thành công, bạn đọc Bằng Việt bình luận: "Ngoài học phí cao, việc chi trả tiền sinh hoạt cũng như mức sống đắt đỏ tại những thành phố lớn cũng là rào cản với phần lớn sinh viên. Chưa kể, giờ việc học đại học cũng không còn đảm bảo về tương lai cho người học nữa, trừ khi bạn phải giỏi hẳn hay gia đình có kinh tế, đủ khả năng cho bạn theo học những trường có điều kiện giáo dục tốt. Còn không những bạn vào học các trường trung bình sẽ chỉ vừa lãng phí thời gian, tiền bạc lại mông lung khi ra trường.
Chúc mừng các bạn đã mạnh dạn lựa chọn lối đi riêng, không còn bị gò bó bởi định kiến phải đỗ đại học bằng mọi giá như trước. Đừng cảm thấy tủi thân hay buồn khi bạn không thể vào đại học vì việc cạnh tranh với những người có bằng đại học đã không còn khó khăn nữa. Không đề cập đến những bạn giỏi hẳn hay lọt vào những trường có mức độ giáo dục cao thì những bạn vào học những trường bình thường rất dễ bị mất phương hướng trong 1-2 năm đầu rồi đến khi ra trường vẫn chưa định hướng rõ khả năng của bản thân. Thế nên, việc sinh viên đại học thụt lùi so với những bạn đã xác định học nghề từ đầu là rất có thể".
Ủng hộ người trẻ sớm định hướng học nghề thay vì lao vào đại học một cách mông lung, độc giả Bui Le chia sẻ: "Thực tế, các em nhà không có điều kiện, nên chọn những trường nghề có ý nghĩa thiết thực, hơn là vào đại học. Học nghề chỉ mất tầm ba năm, chi phí cũng ít hơn, mà sau khi ra trường các em có nhiều cơ hội việc làm hơn là cầm một tấm bằng đại học với ngành học mơ hồ.
Nếu muốn, các em có thể đi xuất khẩu lao động ba năm nữa, nếu may mắn, thuận lợi thì sau khi về nước, có chút vốn trong tay, khi đó các bạn có thể làm nghề của mình học cũng không muộn. Thời điểm đấy, các bạn học đại học cũng chỉ mới ra trường được 1-2 năm, may mắn lắm mới xin vào được một công ty nào đó, làm cho có kinh nghiệm, chứ cũng chưa có thành tựu gì, thua cả những bạn học nghề, đi xuất khẩu lao động đã có vốn liếng và kinh nghiệm trong tay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.