Theo dõi, các ý kiến tranh luận về quy định kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua, tôi thấy có hai luôn quan điểm: một bên ủng hộ "cấm tuyệt đối" và bên còn lại cho rằng "cần quy định nồng độ cồn lớn hơn 0". Tất nhiên, bên nào cũng có những lý lẽ sinh động, thực tế và rất thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình, nhưng nhìn chung chỉ là những nhận xét mang tính cảm quan của cá nhân, chưa có số liệu cụ thể hoặc căn cứ khoa học vững chắc để chứng minh.
Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm "nồng độ cồn bằng 0". Chỉ những ai mất mát người thân vì tai nạn giao thông mà người gây ra là "bợm nhậu", mới thấm thía nỗi đau này. Nhất là khi người đó là trụ cột kinh tế, nuôi sống cả gia đình hoặc đơn thuần là một đứa con duy nhất của một gia đình hiếm muộn. Biết bao tệ nạn liên quan đến việc sử dụng rượu bia quá mức: đánh đập, ngược đãi vợ con, gây án trong lúc say xỉn, không còn kiểm soát được mình. Có người khi sẵn hơi men lại coi trời bằng vung, rượt đánh cả công an, cảnh sát... Nếu cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, những chuyện như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.
Tất nhiên, tôi cũng rất đồng cảm với nhưng người lo ngại việc kiểm soát mức độ cồn sẽ tạo ra các hệ lụy không đáng có như: ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thất thu cho ngân sách nhà nước, mất công ăn việc làm của hàng trăm ngàn người, phá vỡ những tập tục lâu đời có giá trị truyền thống của riêng người Việt...
Thực tế, đến nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào thống kê, đánh giá chính xác hiệu quả của việc tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn đến cuộc sống, cũng như thu nhập của những người liên quan đến lĩnh vực kinh doanh rượu bia.
Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc trưng cầu ý kiến online luôn cho kết quả tỷ lệ người ủng hộ "nồng độ cồn lớn hơn 0" luôn vượt 70% người ủng hộ. Và cuộc tranh cãi này sẽ vẫn còn tiếp diễn. Ở đây, dù quyết định cuối cùng có theo chiều hướng nào đi nữa thì theo tôi ý kiến của số đông vẫn rất đáng được cân nhắc, xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng, dựa trên những số liệu cụ thể. Cần đưa ra được những căn cứ khoa học và xây dựng được chế tài phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước..., thay vì chỉ dựa trên cảm tính. Có như vậy quy định mới đủ sức thuyết phục.
Trong khi chờ những quyết định cuối cùng, tôi xin mạn phép đề xuất giải pháp, để giải quyết hài hòa mối xung đột giữa hai nhóm hiện nay. Giải pháp này dựa trên căn cứ khoa học và được sử dụng trong thực tiễn rất nhiều nước phát triển, nếu áp dụng tốt sẽ chiều lòng được cả "người thích nhậu" và "người ghét nhậu". Phương pháp này được xây dựng dựa trên lý thuyết Quản lý Rủi ro ( Risk Management) hiện đại và Phương pháp xác định Năng lực điều khiển hành vi dưới tác động của nồng độ Cồn (Behavioral Control).
>> Độ cồn bằng 0 để không mất thời gian phân bua với bợm nhậu
1. Phương pháp áp dụng Quản lý Rủi ro (QLRR):
Nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng QLRR là việc chúng ta phân loại những đối tượng, hành vi, tình huống... thành nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta sẽ chỉ tập trung nguồn lực để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý những gì ở mức rủi ro cao hoặc rất cao. Những rủi ro nào chúng ta quản lý được thì phải làm thật chặt, còn những rủi ro nào chưa quản lý được thì phải "chấp nhận" nó nhưng cố gắng làm sao để giảm hậu quả xuống mức tối thiểu.
Mấu chốt của kỹ thuật áp dụng QLRR là việc phân loại rủi ro thành bốn mức (rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro cao, rủi ro rất cao. Đối với mỗi mức độ sẽ có những cách thức quản lý và chế tài xử lý khác nhau. Vậy áp dụng vào câu chuyện kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông như thế nào? Xin phân chia cụ thể như sau:
2. Phương pháp xác định năng lực điều khiển hành vi dưới tác động của nồng độ cồn:
Tôi rất tâm đắc với bài viết "Lãng phí thời gian tìm số 0 tuyệt đối khi xử phạt nồng độ cồn" của tác giả Levoto. Ở Mỹ, người đã sử dụng phương pháp này từ lâu và đến giờ vẫn còn áp dụng, đó là việc họ kết hợp thổi nồng độ cồn (xác định người tài xế có nồng độ cồn ở mức trung bình cao), với kiểm tra mức độ tỉnh táo, khả năng kiểm soát hành vi của người điều khiển phương tiện. Nếu tài xế vượt qua được bài kiểm tra sẽ được đánh giá là đảm bảo tỉnh táo để tham gia giao thông họ sẽ không bị xử phạt. Vậy đối với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta có thể sử dụng thêm các bài kiểm tra khác để xác định người sử dụng rượu bia có còn "tỉnh táo" hay không?
Tôi xin gợi ý một bài bài kiểm tra có thể áp dụng tại Việt Nam:
- Bài test 1: Đi trên một vạch bằng nhựa hoặc cao su bề rộng 20 cm, dài 3 m mà không để lọt bàn chân ra ngoài. Phương pháp này để xác định năng lực điều khiển mắt và chân còn được kiểm soát hay không?
- Bài test 2: Xỏ một thanh gỗ hoặc một sợi dây qua các lỗ đục sẵn (khoảng 5 lỗ) đường kính lớn nhất 0,9 cm và nhỏ dần xuống 0,3 cm. Phương pháp này để xác định thị lực của mắt và tay còn được kiểm soát hay không?
- Bài test 3: Dùng ba bóng đèn khác màu, cho đèn chớp từ chậm đến nhanh xem phản xạ của người được kiểm tra có đếm hoặc chỉ vào các bóng đèn chớp có đúng hay không? Phương pháp này cũng để xác định phản xạ mắt và tay còn được kiểm soát hay không?
>> Lý lẽ của bợm nhậu khi phản đối sàn độ cồn bằng 0
Tôi tin rằng, việc áp dụng kết hợp hai phương pháp trên, cộng với chế tài xử lý thật nghiêm, mức phạt cao, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Chúng ta sẽ chuyển từ kiểm soát nồng độ cồn sang kiểm soát năng lực điều khiển phương tiện (bị tác động của nồng độ cồn). Nói cách khác, một người khi sử dụng lượng rượu, bia càng nhiều thì năng lực điều khiển phương tiện càng giảm - nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Cũng ở khía cạnh này, người dân có thể hiểu đơn giản là cơ quan chức năng không cần quan tâm đến việc một người có tửu lượng bao nhiêu, uống nhiều hay uống ít... miễn sao người đó khi tham gia giao thông vẫn đảm bảo an toàn là được.
Áp dụng phương pháp này, các cơ quan chức năng cũng không cần phải dàn quân, căng mình ra để rà soát, kiểm tra nồng độ cồn với tất cả người dân như hiện nay. Tuy nhiên, để phòng ngừa những những nguy cơ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, lực lượng chức năng chỉ cần tập trung kiểm tra, xử lý những đối tượng rủi ro cao như: tài xế xe khách, lái xe ôtô cá nhân, xe gia đình chở nhiều người, xe tải trọng lớn... vì khi những đối tượng này sử dụng rượu bia và gây tai nạn sẽ để lại hậu quả rất lớn.
Với khung xử lý như vậy, bản thân người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ phải hết sức cân nhắc về hành vi của mình. Bởi rất có thể việc chuyển từ mức thấp sang mức rất cao sẽ chỉ là một cái va quệt nhẹ trên đường. Sử dụng phương pháp này còn tạo ra "vùng xanh" như mong muốn của những người phản đối "độ cồn bằng 0". Những người tiệc tùng hôm trước, những người có nồng độ cồn tự nhiên do thức ăn, bệnh lý, sử dụng thuốc trị bệnh... sẽ không còn lo lắng vì nồng độ cồn lớn hơn 0 của mình (với điều kiện là thật sự tỉnh táo).
Ở một khía cạnh khác, các nhà hàng, quán nhậu cũng thoải mái hơn trong việc kinh doanh vì có thể hỗ trợ khách hàng kiểm tra năng lực điều khiển phương tiện trước khi rời quán mà không cần máy móc hiện đại. Những chuỗi công việc liên quan đến tiêu thụ bia rượu, thực phẩm chắc chắn cũng được thông thoáng trở lại như xưa.
Phương pháp này cũng làm vừa lòng những người không ủng hộ việc sử dụng rượu bia "quá chén" mà tham gia giao thông. Vì đã có "vùng đỏ" để phát hiện và xử lý những bợm nhậu cố tình vi phạm. Những người này sẽ bị xử lý thích đáng, thậm chí cả xử lý hình sự và bị cấm lái xe vĩnh viễn.
Như đã nói, ranh giới giữa "vùng xanh" và "vùng đỏ" là rất mong manh. Bởi vì khi đã sử dụng rượu bia mà tham gia giao thông có nghĩa là bạn đã đặt một chân vào "cuộc chơi rủi ro". Một khi đã uống rượu bia (cho dù còn tỉnh táo) nhưng gây ra tai nạn giao thông thì tự bạn đã chuyển trạng thái từ mức rủi ro thấp sang mức rủi ro cao và sẽ bị phạt với mức rất nặng. Chắc chắn các bợm nhậu sẽ không còn dám liều lĩnh, và phải cân nhắc thật thấu đáo trước khi lái xe khi có nồng độ cồn trong cơ thể.
Trên đây là một vài ý kiến đóng góp của tôi với mong muốn cuộc tranh cãi về nồng độ cồn bấy lâu nay ngã ngũ. Và trên hết, rất mong Nhà nước có một quyết sách hợp tình, hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế của đất nước và sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.