Mỗi quy định khi đưa ra đều cần phải đánh giá tác động hai chiều: lợi ích thu được và những thiệt hại khi áp dụng. Kể từ khi áp dụng quy định cấm người có nồng độ cồn lái xe, nhiều tranh luận trái chiều đã nổ ra cho tới tận ngày nay mà chưa có hồi kết. Thực sự, cá nhân tôi vẫn ủng hộ việc phạt người say xỉn lái xe, thậm chí có thể tăng nặng thêm các mức xử phạt với người vi phạm để răn đe. Nhưng mức 0 độ cồn như quy định nêu ra cũng cần phải được đánh giá dựa trên khoa học.
Cụ thể, có những điểm sau cần được nghiên cứu và trả lời thỏa đáng để người dân không còn những phản ứng trái chiều về quy định xử phạt nồng độ cồn:
Thứ nhất, mọi loại máy móc luôn có sai số dù hiện đại đến đâu. Thế nên, việc kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông liệu có đảm bảo được độ chính xác, không gây oan sai?
Thứ hai, nếu hàng triệu người uống một ít đồ uống có cồn hôm nay và ngày mai đều bắt xe ôm đi làm vì sợ nồng độ cồn trong cơ thể chưa về mức 0, bản thân họ tỉnh táo dù có thể vẫn còn đọng lại chút hơi cồn, thì liệu lượng xe ôm có đủ để đáp ứng? Và khi đó, chuyện đo và phạt nồng độ cồn trở thành hên xui. Đương nhiên, tôi ủng hộ những ai uống quá nhiều và lái xe cần bị xử phạt thật nặng, nhưng vấn đề là những người còn lượng cồn rất ít trong cơ thể nhưng vẫn có nguy cơ bị phạt.
Thứ ba, chiến dịch xử phạt nồng độ cồn đang được áp dụng quyết liệt từ nay đến Tết Nguyên đán, nhưng liệu sau Tết thì sao? Nếu chúng ta chỉ làm mạnh theo từng đợt ra quân thì cuối cùng đâu lại vào đấy và không thay đổi được ý thức người dân. Thay vào đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải ổn định, lâu dài và đi vào cuộc sống mới mong đạt được hiệu quả sâu rộng.
>> 'Không cần lãng phí thời gian tìm ngưỡng say xử phạt nồng độ cồn'
Thứ tư, những thiệt hại kinh tế có thể lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng từ tiền thuế, hàng triệu người ảnh hưởng công việc khi quy định nồng độ cồn bằng 0 được áp dụng liệu có xứng đáng với những hiệu quả mà nó mang lại? Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các nước trên thế giới không áp dụng xử phạt nồng độ cồn trên 0, kể cả những nước phát triển nhất.
Thứ năm, chúng ta cần có một quy trình đánh giá tác động nhiều mặt, tham khảo ý kiến tất cả tầng lớp nhân dân để khi luật đưa vào áp dụng không bị phản ứng trái chiều, mọi người đều tuân thủ.
Thứ sáu, luật là phải công bằng, nếu một người chỉ hơi có nồng độ cồn (tức là trên 0 độ một chút) mà lại bị phạt nặng hơn là cả lỗi vượt đèn đỏ hay lái xe ngược chiều trên cao tốc, thì liệu có thỏa đáng?
Tóm lại, mọi khía cạnh của quy định xử phạt nồng độ cồn cần phải có thể đánh giá lại cụ thể các tác động đến đời sống xã hội. Mục đích chính là nó phải đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước và hài hòa giữa lợi ích của các bên. Có như vậy, những phản ứng tiêu cực mới không nảy sinh và toàn thể người dân mới đồng lòng thực hiện nghiêm quy định, góp phần phòng chống những tác hại của rượu, bia tới đời sống của người Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.