"Nhiều người phản đối quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe nhưng thử hỏi uống rượu mơ, rượu trái cây hỗ trợ tiêu hóa... có say không? Luật cấm là nhắm vào các thức uống có cồn nói chung, gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, để lái xe an toàn. Chúng ta không nên mất thời gian tranh cãi làm gì, vì tai nạn xe cộ có nguyên nhân từ rượu bia là quá rõ và đang lấy đi sinh mạng của rất nhiều người, nhiều tới mức trở thành tệ nạn.
Việc cứ ngồi đây tranh cãi rằng 'tôi tửu lượng cao nên uống nhưng vẫn tỉnh' chỉ khích lệ người ta thể hiện cái tôi trên bàn nhậu. Nhiều người vì tiếc tiền cho một hai cuốc xe sau mỗi chầu nhậu mà không tính đến rủi ro khi gây tai nạn cho mình và người khác.
Gia đình tôi từng là nạn nhân của bia rượu. Vợ tôi bế con qua đường, bị một tay ma men vừa rời bàn nhậu tông từ đằng sau. Hậu quả là vợ tôi phải đi viện khâu chân, còn đứa con 5 tháng tuổi may mắn có trời phù hộ nên mới thoát được kiếp nạn. Ngay ở công ty tôi, vừa rời bàn nhậu mà một số anh em vẫn nằng nặc đòi tự lái xe về sau khi uống 5-6 lon bia, bất chấp tôi thuyết phục cỡ nào cũng không được. Thế nên đừng bao biện cho thói quen nhậu nhẹt và phản đối độ cồn bằng 0".
Đó là nhận định của độc giả Minh xung quanh trước những tranh cãi trái chiều về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, đồng thời cũng là quan điểm của Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Theo trung tướng Nguyễn Minh Đức, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe cần tiếp tục quy định trong luật mới, đảm bảo thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
Ủng hộ quy định xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trên mức 0, bạn đọc Hoangsenpai phân tích: "Tôi chỉ thấy luật nồng độ cồn đã phát huy tác dụng ngay tại gia đình mình. Chồng tôi giờ phải nhịn bia rượu trước ít nhất ba ngày nếu muốn lái xe vì sợ bị phạt. Khách hàng của tôi cũng đề nghị không uống bia rượu trong bữa ăn vì còn phải lái xe đi làm hôm sau. Tôi thấy quy định này đã và đang đem lại những tín hiệu tích cực.
Các bạn cứ uống bia rượu, miễn là uống xong đừng lái xe là được. Vả lại, bia rượu cũng là nguồn cơn của bạo lực gia đình, ung thư, bệnh tật, tai nạn giao thông... tác hại vô cùng to lớn. Người ta uống bia rượu lè nhè rồi lại muốn hát hò karaoke gây mất trật tự... Thế nên, ngừng bia rượu sẽ ít tai nạn hơn, gia đình vui vẻ, xã hội bình yên hơn".
Nói về những lợi ích của quy định nồng độ cồn hiện hành, độc giả Vanhungktdt nhấn mạnh: "Cấm tuyệt đối người uống rượu bia có nồng độ cồn trong cơ thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông âu cũng là điều tốt. Kèm với đó, cơ quan chức năng cũng nên đưa ra phương pháp xác minh, phân biệt người có nồng độ cồn tự nhiên hoặc nồng độ cồn không xuất phát từ rượu bia, tránh cho người dân bị phạt oan.
Tôi thấy, từ ngày có luật cấm nồng độ cồn tuyệt đối như vậy mang lại nhiều điều tích cực cho nền kinh tế, thói quen ăn nhậu của người dân có sự thay đổi. Việc nhậu xong là gọi xe về giúp sinh ra một ngành dịch vụ mới, tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động, giúp các chủ quán nhậu, nhà hàng bớt đau đầu chuyện kiếm chỗ đỗ xe cho khách, đỡ lấn chiếm lòng lề đường, đỡ bị quản lý đô thị phạt".
>> Tôi không biết khi nào độ cồn về 0 để lái xe
Trong khi đó, cho rằng việc xử phạt người lái xe mà hơi thở có nồng độ cồn là điều cần thiết, bạn đọc Anonymous V bình luận: "Về mặt khoa học, nồng độ cồn, dù ở mức nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, gây thiếu tỉnh táo, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. Bạn cảm thấy tỉnh táo chỉ là cảm giác chủ quan, còn hành vi của bạn đã bị ảnh hưởng bởi rượu bia đưa vào trong người.
Uống hai lon bia tiêu chuẩn (330 ml) tương đương nạp vào người 3 đơn vị cồn. Đối với một người cân nặng tiêu chuẩn (60 kg) thì sau 30 phút ,lượng cồn trong máu sẽ vượt mức 50 mg/100 ml máu. Theo Luật của chúng ta, mức này sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng (nếu điều khiển ôtô), kèm theo các chế tài khác. Nên các bạn phải suy nghĩ cho kỹ về việc uống hai lon bia, tiếp tục lái xe và đóng phạt hoặc gọi dịch vụ xe đưa đón.
Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến rượu, bia. Cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, chẳng làm ngành dịch vụ ăn uống đi xuống, bởi nếu có việc thì người ta vẫn uống, hơn nữa còn kích thích ngành vận tải phát triển. Cái tốt nhất là chúng ta cần tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, vừa an toàn cho xã hội".
So sánh với văn hóa và quy định xử phạt nồng độ cồn của các nước trên thế giới, độc giả Puppyxauxa kết lại: "Tôi hiểu nỗi băn khoăn của nhiều người về quy định nồng độ cồn bằng 0. Nhưng vấn đề là nước ngoài khác, Việt Nam khác. Văn hóa nhậu của người Việt rất chây ì, cả nể. Thà rằng ngay từ đầu không uống đã đành, chứ một khi đã ngồi vào bàn nhậu, không uống đủ là lại bảo khinh nhau. Ở nước ngoài, người có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định có khi sẽ bị xử lý hình sự, trong khi điều này rất khó thực hiện ở Việt Nam.
Vậy nên, tôi nghĩ tốt nhất cứ để mức 0 tuyệt đối, vừa đơn giản dễ hiểu, vừa để tạo ra thay đổi trong nhận thức của xã hội. Những ai ăn trái cây, mứt hoa quả thì chỉ cần súc miệng là hết. Lực lượng chức năng cũng không phải xử phạt cứng nhắc. Còn mấy trường hợp đêm qua uống bia rượu, sáng nay vẫn còn độ cồn thì hãy xem lại sức khỏe của bản thân mình, đó là dấu hiệu chưa đủ điều kiện để lái xe".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.