Cấm nồng độ cồn tuyệt đối khi lái xe có thỏa đáng không? Có làm ảnh hưởng tới những người kinh doanh nhà hàng, quán nhậu không? Có gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước không? Đó là những câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi xung quanh quy định xử phạt nồng độ cồn hiện nay.
Ở đây, tôi cho rằng, quy định trên mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Thực tế, có người uống được 4-5 lon chưa say, nhưng có người chỉ nửa lon đã không còn tỉnh táo. Vậy dựa vào đâu để chúng ta đánh giá một người có say hay không sau khi uống một lượng rượu, bia nào đó?
Thế nên, luật đưa ra để nhắc nhở người dân rằng "đã uống rượu bia thì không lái xe", thế thôi. Có nghĩa là không cần biết tửu lượng của bạn cao hay thấp, nặng hay nhẹ, cơ quan chức năng không có nghĩa vụ đi xác minh xem bạn đã say chưa, say tới mức nào, chỉ căn cứ vào con số nồng độ cồn đo lường được để xử lý. Còn bạn đã nhậu thì một là bắt xe ôm đi làm hôm sau, không thì canh đến cuối tuần, có một, hai ngày nghỉ ở nhà hãy uống và uống xong thì đừng lái xe ra đường gây rủi ro cho người khác.
Ai vi phạm cũng nêu đủ thứ lý do, nào là "hôm qua, hôm kia uống, chứ không phải mới uống đâu mà phạt...". Tôi mới đọc một bài báo, có một bác sĩ nêu ra thời gian cần thiết để cơ thể hấp thu hết nồng độ cồn cho một lon bia 330 ml là từ 1 đến 2 giờ, tức là nếu bạn uống một lon thì qua một đêm hoàn toàn không còn nồng độ cồn nữa. Nhưng để chắc chắn hơn, nếu bạn đã biết ngày mai mình đi làm, đi học mà vẫn cố tình "chén tạc, chén thù", rồi khi ra đường hôm sau vẫn đo được nồng độ cồn thì có bị phạt cũng đáng.
Với những bợm nhậu, việc nhậu nhẹt không cần phải có lý do lẫn giờ giấc. Hồi chưa có quy định nghiêm như bây giờ, tôi thấy mấy ông vẫn ngồi "dô dô" ở các quán nhậu hay tụ tập ở nhà. Thú thật, tôi chưa thấy quốc gia nào có "văn hóa nhậu" bất kể thời gian, không gian như Việt Nam. Sáng, trưa, chiều, tối, người ta đều có thể nhậu được. Mà nhậu nhẹt thì nền kinh tế, xã hội, làm sao phát triển được.
>> Sáu vấn đề khiến quy định độ cồn bằng 0 gây nhiều tranh cãi
Chưa kể, nhậu xong, nhiều người cãi vã, đánh nhau, giết nhau hoặc về bạo hành vợ con, ra đường lại gây nạn giao thông làm hại người vô tội... đủ thứ hệ lụy tiêu cực. Kinh tế gia đình kinh tế đất nước có khi lại tốt hơn khi vắng bóng rượu, bia - nguyên nhân chính của các bệnh nguy hiểm như gan, thận... là gánh nặng cho hệ thống y tế. Không rượu bia vẫn có thể sống vui, sống khỏe, nên đây hoàn toàn không phải là mặt hàng thiết yếu.
Ngoài ra, cũng cần phải sửa Luật, đưa rượu bia vào mục sản phẩm kinh doanh có điều kiện, người bán, người mua phải xuất trình CCCD khi mua và mỗi ngày, mỗi tháng chỉ được phép mua một mức nhất định. Còn các cơ sở kinh doanh ăn uống phải có giấy phép, đảm bảo khách uống bia, rượu xong thì không được phép điều khiển phương tiện giao thông.
Mức phạt dành cho lỗi lái xe sau khi uống rượu bia cũng cần tăng nặng thêm nữa. Hình phạt phải thật nghiêm khắc thì may ra mới hình thành ý thức cho người tham gia giao thông được. Đường nhiên, tôi không hề bày tỏ quan điểm phải dẹp bỏ quán nhậu. Tôi cũng không cực đoan đến mức phải cấm mọi người uống rượu bia nhưng hãy uống một cách chừng mực và văn minh, đã uống thì đừng tham gia giao thông gây nguy hiểm cho người khác.
Tóm lại, đã uống rượu bia thì không lái xe, còn hôm trước uống mà hôm sau vẫn còn nồng độ cồn thì chắc cũng không phải dạng vừa, vậy thì làm ơn gọi xe công nghệ đi làm chứ đừng ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. Tôi và nhiều người không cho rằng uống rượu bia là "văn hóa" nên đừng lạm dụng cái gì cũng lôi cái gọi là truyền thống, tục lệ để biện hộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.