Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong bảy ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, cảnh sát giao thông cả nước đã phạt hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần 600% so với chín ngày Tết Nhâm Dần 2022. Việc tăng cường kiểm tra, đặc biệt về nồng độ cồn, đã phần nào giảm số vụ tai nạn giao thông (giảm 71 vụ, giảm 51 người chết, giảm 101 người bị thương so với Tết năm trước).
Rõ ràng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) với tiêu chí "đã uống rượu, bia thì không lái xe" đã phần nào phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Nhưng đâu đó trên các diễn đàn, mạng xã hội, tôi vẫn thấy những quan điểm cho rằng Nghị định 100 quá cứng nhắc, gây khó cho người dân, theo kiểu "tôi chỉ uống một chén rượu trong khi bình thường cả lít không say, vẫn hoàn toàn tỉnh táo khi tham gia giao thông, cớ sao lại phạt?". Hay "chỉ một hớp rượu vang mà phạt tới cả triệu đồng liệu có bất cập không?".
Cá nhân tôi cho rằng, đã uống rượu, bia, dù ít hay nhiều, rồi lái xe tham gia giao thông cũng là không thể chấp nhận được. Thậm chí, nếu gây tai nạn cho người khác thì còn là tội ác. Tôi nghĩ cái được từ việc hạn chế quyết liệt tình trạng lái xe sau khi uống bia, rượu ở nước ta chính là thay đổi được lối sống và văn hóa làm việc của đại đa số người dân, đặc biệt là lớp trẻ.
Quả thật, chúng ta có thói quen vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, thậm chí không có việc gì cũng kiếm cớ để rủ nhau tụ tập "chén chú, chén anh". Nhưng thử hỏi, uống nhiều bia, rượu như thế, làm sao chất lượng công việc, học tập, và sức khỏe nâng cao được?
Hãy nhìn vào chỉ số năng suất lao động của nước ta so với các nước trong khu vực Đông Nam Á để thấy: lao động Việt chỉ đạt năng suất bằng 7,64% so với Singapore; bằng gần 20% Malaysia; gần 38% Thái Lan và gần 46% so với Indonesia (theo đánh giá của Ngân hàng thế giới). Trong khi đó, mức tiêu thụ bia, rượu ở ta lại ở top đầu thế giới (xếp thứ chín thế giới năm 2020). Đó là một thực tế rất đáng buồn với người Việt.
Bia, rượu không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, năng suất lao động, mà còn mầm mống gây ra vô số hệ lụy cho xã hội như bạo lực, gây mất đoàn kết trong gia đình, anh em bạn bè. Sát phạt nhau trên bàn nhậu còn dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội khác, gia tăng số lượng tội phạm...
Cuối cùng, là một công dân Việt, tôi chỉ mong các quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ ngày càng nghiêm khắc, tăng cường kiểm tra để lập lại trật tự xã hội, đảm bảo an toàn trên đường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.