Chỉ sau ba giờ lập chốt kiểm tra ngẫu nhiên người lái ôtô dừng đèn đỏ trong ngày đầu tổng kiểm soát nồng độ cồn, CSGT TP HCM phát hiện nhiều tài xế uống rượu bia, tạm giữ hơn chục xe. Việc tổng kiểm tra của Công an TP HCM diễn ra trong bối cảnh tài xế uống bia rượu, vi phạm luật giao thông còn phổ biến.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến phàn nàn việc quy định 'độ cồn bằng 0' gây khó cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế, dù việc xử phạt nồng độ cồn đã được thực hiện một thời gian dài, nhưng những trường hợp vi phạm vẫn diễn ra liên tục. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cả về người và của vẫn tiếp diễn, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Vậy tình hình sẽ còn phức tạp, hậu quả sẽ còn khủng khiếp đến mức nào nếu quy định được nới lỏng, chấp nhận độ cồn nhất định?
Ủng hộ việc siết chặt hơn nữa quy định xử phạt nồng độ cồn để giảm bớt thiệt hại cho xã hội, độc giả Nguyen Phi nêu quan điểm: "Theo tôi, có vài điểm cần phải suy nghĩ thật thấu đáo:
Thứ nhất, cần phải điều chỉnh luật ngay tức thì theo hướng cứ phạt vi phạm nghiêm khắc hơn nữa, như: tăng mức phạt bằng tiền lên gần bằng giá trị chiếc xe hay cấm lái xe suốt đời với tài xế vi phạm nồng độ cồn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng khung vi phạm cụ thể (ví dụ nồng độ cồn vượt gấp đối khung quy định). Vì, đối với người sở hữu ôtô, mức phạt như hiện nay vẫn chỉ như muối bỏ bể, càng làm cho người vi phạm nhờn luật thêm.
>> 'Ma men' làng tôi bỏ rượu vì sợ thổi nồng độ cồn
Thứ hai, tôi có cơ hội tiếp xúc với khá nhiều người chủ sở hữu ôtô và cũng thường xuyên lái xe trên đường trong nội khu thành phố khi đã uống rượu, bia. Quan điểm của họ như sau:
- Luôn cho rằng mình còn tỉnh táo, và có thể lái xe tốt (thậm chí bốc hơn những gì người khác nghĩ).
- Nếu có tai nạn, sự cố xảy ra, họ luôn cho rằng mình vẫn an toàn về tính mạng. Vì nội đô thường ít xe tải trọng lớn lưu thông, nên đa phần nếu va chạm xảy ra, các phương tiện khác đa phần yếu thế hơn ôtô mà họ cầm lái.
- Lo sợ duy nhất của họ là bị cảnh sát giao thông bắt phạt, sẽ tốn tiền, tiếc của. Thế nhưng, trong tư tưởng của họ, việc đầu tiên sẽ luôn là chống chế, hoặc tìm cách lách luật, hối lộ để mong giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu.
- Khi tôi góp ý "anh lái xe trong tình trạng say xỉn, bị phạt theo luật là chuyện hiển nhiên, có gì đáng lăn tăn? Vấn đề là mức độ rủi ro mà anh gây ra sẽ báo hại mạng sống cũng như phần đời còn lại của người khác nếu không may xảy ra tai nạn, đó mới là điều đáng suy nghĩ", đa phần tài xế có nồng độ cồn đều xem tôi như người ngoài hành tinh.
Thứ ba, bên cạnh tăng mức phạt vi phạm, có thể bổ sung một số hình phạt về mặt hành chính như: ghi vào hồ sơ công dân về việc vi phạm pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên nhằm dùng con cái giáo dục cha mẹ...
Chỉ có cương quyết làm nghiêm tới cùng việc xử phạt nồng độ cồn, chúng ta mới mong cải thiện được ý thức của người tham gia giao thông ở Việt Nam, để họ tuyệt đối chấp hành quy định thay vì kêu ca, phàn nàn vì bị làm khó".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.