Nói về những tranh cãi thời gian qua về chuyện xử phạt người lái xe khi có nồng độ cồn, tôi tin rằng nếu bạn chỉ uống một ly nhỏ từ hôm trước thì không thể nào tới sáng hôm sau vẫn còn cồn trong cơ thể. Nếu uống đến mức qua hôm sau vẫn còn cồn thì chắc chắn là bạn uống nhiều. Cái đó là lựa chọn của bạn nên nếu có bị bắt phạt cũng tự bạn phải chịu. Còn nếu không muốn bị phạt thì tốt nhất nên tiết chế lại, uống rượu, bia ít thôi.
Ngày trước thì có thể còn biện minh rằng bị người khác ép uống, chứ giờ có luật cấm uống rượu, bia khi lái xe rồi thì đâu có lý do gì mà bạn không thể từ chối uống nữa. Lý do duy nhất mà bạn không thể uống ít bia, rượu, chỉ có thể là do bạn muốn uống mà thôi. Cai nghiện nhậu nhẹt được hay không là do bản thân mỗi người và hậu quả là mỗi người tự gánh.
Cá nhân tôi ủng hộ luật thật nghiêm, xử phạt thật mạnh tay, dần dần bỏ vấn nạn nhậu nhẹt mà mấy tay bợm nhậu vẫn hay lấp liếm bằng cái gọi là "văn hóa truyền thống". Nhiều người rất vô duyên, cứ hễ có dịp gì cũng phải lôi kéo người ta vào nhậu cho bằng được. Người ta ngồi vào bàn rồi uống ít hoặc không uống là bắt đầu kiếm chuyện. Chẳng cần biết người đó có bản lĩnh từ chối hay không, nhưng ai ép người khác nhậu, ép uống rượu, bia đều là sai.
Nhìn ở một khía cạnh khác, người dân bớt nhậu thì sẽ chuyển qua ăn uống hình thức khác. Các quán nhậu hết cửa làm ăn thì sẽ phải tự biết chuyển hướng sang kinh doanh các mặt hàng khác để phục vụ nhu cầu thay đổi của khách hàng. Về bản chất, quán nhậu cũng là quán ăn, nên chỉ cần thay đổi, nâng cấp các món ăn và hình thức phục vụ là có thể tồn tại. Còn quán nào cứ khư khư nhắm vào đối tượng "dân nhậu" thì thua lỗ ráng chịu. Xã hội ngày càng thay đổi và phát triển., các quán không chịu thay đổi thì đóng cửa cũng chẳng oan.
>> Lý lẽ của bợm nhậu khi phản đối sàn độ cồn bằng 0
Bây giờ, tiệc tùng các kiểu đâu cần uống bia rượu, chuyển sang uống nước ngọt, nước trái cây, sinh tố, trà sữa... vẫn vui mà, chẳng sao hết. Chỉ có bợm nhậu mới nhất quyết phải chọn bia rượu trong các cuộc vui cho bằng được. Đừng ngụy biện cho sự nghiện ngập của mình.
Tiệc cưới, tiệc liên hoan công ty... về bản chất không phải là cuộc nhậu, chẳng qua những thành phần bợm nhậu quá khích cố lôi kéo những người khác vào nâng ly với mình thôi. Trong trường hợp này, rõ ràng những người ép nhậu ép bia là kẻ vô duyên. Những người không nhậu trong trường hợp này hoàn toàn có quyền im lặng và ngồi ăn, không uống và không tiếp chuyện dân nhậu.
Cá nhân tôi uống không nổi một lon bia nhưng từ khi tốt nghiệp Đại học tới giờ, đã hơn chục năm đi làm, mà tôi vẫn có công việc ổn định, vẫn thăng tiến, vẫn có bạn bè mà chẳng cần nhậu nhẹt gì. Cùng lắm là những buổi tiệc tay cầm một ly nhấp môi xã giao thôi. Chẳng qua là do mỗi người có biết chọn môi trường sống và làm việc để né bợm nhậu ra hay không thôi.
Quay trở lại với quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, đúng là mỗi người có một tửu lượng nhất định, nhưng trên thực tế rất ít người có khả năng uống đúng liều lượng đó để bảo mình vẫn tỉnh táo. Người đã không nhậu thì gần như không uống dù chủ một ly, còn người nhậu thì khó có thể kiểm soát và dễ vượt quá liều lượng. Thế nên, luật đưa ra như vậy là để ngăn chặn những hành vi không làm chủ bản thân và gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.