Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người tranh luận về quy định người lái xe sẽ bị xử phạt nếu có nồng độ cồn lớn hơn 0. Bằng chút hiểu biết của mình, tôi xin góp ý một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm rằng cứ uống rượu là có nồng độ cồn và có nồng độ cồn đều là do uống rượu. Đấy là sai lầm rất phổ biến, vì thực tế có những có những loại bia rượu gây say dù nồng độ cồn được quảng cáo bằng 0, có những người không có một giọt rượu nào cũng vẫn có nồng độ cồn vì trái cây, các loại thuốc điều trị...
Theo quy định, đã uống bia rượu thì không lái xe, nhưng có người lái xe dù không uống bia rượu nhưng vẫn bị phạt do có nồng độ cồn. Họ bị cấm lái xe chỉ vì có nồng độ cồn và bị phạt rất nặng, gây nên những bức xúc xã hội. Tất cả đều vì những nhầm lẫn trong khái niệm cồn là do bia rượu gây ra. Một nghiên cứu khoa học của Mỹ đã chứng minh rằng, ăn bánh mì cũng có thể sinh ra nồng độ cồn hoặc một người uống một lon bia buổi sáng sau ngủ dậy vẫn hoàn toàn tỉnh táo dù có nồng độ cồn.
Chúng ta cần phạt người say xỉn để bảo đảm an toàn giao thông, chứ không nên dựa vào quy định để phạt người tỉnh táo. Một người ăn bánh mì, ăn hoa quả có nồng độ cồn và bị phạt để bảo đảm an toàn giao thông, là khiên cưỡng, không khác nào phạt người tỉnh. Bất cứ quy định nào khi đưa ra cũng phải được mọi người tâm phục khẩu phục thì nó mới đi vào cuộc sống. Việc thổi phạt nồng độ cồn cứ gây tranh cãi theo kiểu "tôi không uống bia rượu mà sao lại bị phạt" thì việc thực thi dễ bị kém hiệu quả, thiếu tính thuyết phục.
>> 'Lãng phí thời gian tìm số 0 tuyệt đối khi xử phạt nồng độ cồn'
Xử phạt với nồng độ 0.01 cũng ảnh hưởng đến rất nhiều cơ sở kinh doanh đình đốn, thất thu thuế, rồi những tranh cãi ví dụ như uống một lon bia từ hôm trước nhưng hôm sau lái xe vẫn bị tịch thu bằng, xử phạt nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc...
Hiện nay, chỉ có 20 nước trên thế giới quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện giao thông, tôi thấy phần lớn vì những lý do khách quan. Việc chúng ta phạt thu bằng lái 11 tháng chỉ vì nồng độ cồn hơn mức 0 một chút chưa chứng minh được lợi ích của quy định nồng độ cồn, trong khi những hệ lụy mà nó gây ra vẫn chưa thống kê được hết.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị không quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Thay vào đó, dự thảo nên quy định mức nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.