Phản biện quan điểm ủng hộ quy định 'độ cồn bằng 0' của tác giả bài viết "Ai cũng nghĩ mình tỉnh sau khi uống rượu, bia", độc giả Đức Thắng nêu trường hợp của chính mình: "Lái xe sau khi uống bia rượu thì bị phạt là điều không cần bàn cãi, chỉ có một vấn đề thắc mắc là nếu tôi đi taxi dự tiệc đám cưới và uống năm lon bia vào buổi tối thứ 7. Đến chiều thứ hai, tôi điều khiển xe và CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn cho kết quả 0,03 mg/lít khí thở. Vậy là tôi bị xử phạt 7 triệu đồng và giam bằng 11 tháng.
Không biết thiết bị đo có sai số hay không nhưng rõ ràng tôi không hề uống rượu, bia trong hai ngày qua, vẫn tỉnh táo bình thường, nhưng giải thích thế nào cũng không được vì quy định độ cồn bằng 0. Vậy việc tôi bị xử phạt có thỏa đáng không?".
Trả lời cho thắc mắc này, bạn đọc Tâm phân tích: "Nếu cho rằng máy đo không chính xác, bạn có thể tự đi làm xét nghiệm máu để khiếu nại. Còn nếu máy đo đúng thì bạn vẫn phải nộp phạt, vì cảm giác tỉnh táo là khái niệm khá mơ hồ, chỉ có những con số thì mới nói lên được sự thật. Tôi tin vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nồng độ cồn trong hơi thở cao mà họ vẫn tỉnh táo, nhưng luật là dành cho số đông, chúng ta nên chấp hành nghiêm túc.
Thời gian không uống rượu, bia bao lâu không quan trọng, miễn là khi bạn còn nồng độ cồn trong hơi thở thì tuyệt đối không được lái xe. Bản thân chiếc máy nào cũng có một dung sai nhất định, bạn ăn trái cây mà hơi thở có cồn thì chắc chắn máy đo sẽ không báo. Còn rượu thuốc cũng vẫn là rượu, uống chữa bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến độ tỉnh táo của bạn, thế nên uống rồi thì hãy đi taxi hay xe ôm về, đừng cố lái xe rồi tranh cãi khi bị thổi phạt".
Đồng quan điểm, độc giả My love is Winter nhấn mạnh lầm tưởng của nhiều người khi vin vào sự tỉnh táo của bản thân đề đòi hỏi điều chỉnh luật: "Tỉnh táo là một khái niệm cực kỳ mơ hồ. Tôi là một người có tửu lượng tốt nhưng không bao giờ lái xe sau khi nhậu, dù vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, thậm chí còn hưng phấn hơn mọi khi. Cảm giác tỉnh táo chỉ là một tâm lý giả tạo đánh lừa chính bạn, chỉ khi tỉnh rượu bạn mới có thể nhớ được mình đã làm gì.
Thậm chí, có những người say xỉn mà không làm chủ được hành vi. Nhiều người có chức có quyền, bình thường cũng rất điềm tĩnh, nhưng tới khi nhậu vào rồi lại chống đối CSGT, hậu quả là ảnh hưởng tới tương lai, sự nghiệp. Số khác còn dính vòng lao lý vì những hậu quả nghiêm trọng mình gây ra.
Thực tế, để công bằng, phần lớn chốt kiểm soát nồng độ cồn hiện nay thường dùng loại máy không cần thổi, chỉ cần hà hơi vào là xong, loại này độ nhạy thấp hơn loại dùng ống thổi. Chỉ khi máy này báo có cồn thì họ mới bắt người điểu khiển phương tiện thổi loại có ống để cho kết quả chính xác hơn. Thế nên, chúng ta không cần lo về việc bị phạt oan hay máy báo không chính xác. Ngoài ra, không phải CSGT gặp ai cũng bắt thổi nồng độ cồn, chỉ có những đối tượng có dấu hiệu say xỉn (theo nghiệp vụ) mới bị giữ lại thổi thôi".
>> Độ cồn bằng 0 để thay đổi thói quen nhậu nhẹt
Khẳng định sự cần thiết của việc quy định độ cồn bằng 0, độc giả Koigoeswild phân tích: "Nhiều người đang hiểu nhầm. Ở đây, luật quy định xử phạt người có nồng độ cồn trong hơi thở, chứ không phải phạt vì uống rượu, bia. Đất nước cả trăm triệu người, không ai hơi đâu đi rà soát bạn uống bia, rượu từ khi nào? Nếu bạn không uống rượu, bia nhưng vẫn có nồng độ cồn, lúc đó hãy chứng minh về bệnh lý của mình. Còn những tín đồ của bia, rượu, thường xuyên nhậu nhẹt, có thể tự sắm cho mình cái máy đo, tự đo trước khi quyết định có nên lái xe hay không, để khỏi gặp rắc rối. Tôi không thương gì cánh bợm nhậu, chỉ thương cho những người bị tai bay vạ gió vì những người lái xe sau khi uống rượu, bia".
"Tôi đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề này và vẫn giữ nguyên quan điểm cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, vì lý do sau: Rượu, bia không có quy tắc chung cho một con người nào cả. Có người uống cả lít không sao, nhưng có người chỉ một chén đã chếnh choáng. Có người chiều nhậu say bét nhè nhưng chỉ sang hôm sau họ đã tỉnh táo bình thường, nhưng cũng không ít người nhậu say mấy ngày liền vẫn chưa tỉnh.
Vì thế, say hay tỉnh phụ thuộc vào sức khỏe, cơ địa của mỗi người, cơ quan chức năng không thể chạy theo từng trường hợp như vậy được. Cần có một ngưỡng chung để áp dụng cho tất cả người dân nên cấm tuyệt đối là điều phải làm. Thực tế, quy định này vẫn đang được thực hiện và có kết quả hết sức khả quan đó thôi", bạn đọc Tuankdmb nói thêm.
Là người có tửu lượng tốt nhưng độc giả Number 2 vẫn ủng hộ quy định độ cồn bằng 0 vì lợi ích chung của xã hội: "Ngày trước tôi là người uống nhiều rượu, bia nên biết ngưỡng say của mình ở đâu: khoảng hơn ba lon may ra mới có dấu hiệu xỉn, còn trước đó hầu như chẳng thấy gì bất thường, như người ta hay nói nôm na là 'ba chai chưa say'. Rồi có một hôm nhiều tâm sự, tôi uống tới chai chai nhưng về nhà vẫn tỉnh táo như chưa có gì, thậm chí còn pha trà ngồi ngắm trăng.
Nhưng mấy năm nay, tôi rất ít uống rượu, bia. Biết quy định nồng độ cồn nên nếu có uống, dù ít hay nhiều, say hay tỉnh, tôi cũng gọi xe chở về, vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe, vừa bảo vệ luôn ví tiền của mình. Tôi hoàn toàn ủng hộ tăng xử phạt các trường hợp tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn, thậm chí có thể xem xét truy tố hình sự nếu người đó gây tai nạn. Biết là luật có phần khắt khe nhưng phải như vậy mới đảm bảo an toàn giao thông".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.