Thứ sáu, 22/2/2019, 16:24 (GMT+7)

Mỹ có thể giảm bớt điều kiện để nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên

Pompeo nói Mỹ muốn "giảm đáng kể mối đe dọa" thay vì nhấn mạnh Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng như trước đây.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 1/2. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington hôm 1/2. Ảnh: AFP.

"Người dân Mỹ nên biết rằng chúng tôi áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từng có đối với Triều Tiên và sẽ không nới lỏng tới khi chúng tôi tự tin rằng mối đe dọa đã giảm đáng kể", AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết. 

"Vì sự an toàn của người Mỹ, chúng tôi phải giảm bớt mối đe dọa từ hạt nhân của Triều Tiên. Sau đó, chúng tôi có thể thực hiện các công việc vì hòa bình, an ninh trên bán đảo và một tương lai tươi sáng cho người dân Triều Tiên", Pompeo trả lời khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng thỏa hiệp về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng hay không.

Theo AP, bình luận này của Ngoại trưởng Mỹ dường như để mở khả năng Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng mà không cần nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, điều kiện mà Mỹ luôn kiên quyết giữ vững. 

Pompeo bày tỏ hy vọng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện tốt cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào 27-28/2. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về những việc mà hai bên sẵn sàng thực hiện để thúc đẩy đàm phán.

Một số nghị sĩ và chuyên gia Mỹ lo ngại Trump sẽ nhượng bộ Kim quá nhiều mà không có biện pháp khiến Chủ tịch Triều Tiên tôn trọng cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ cảnh báo Bình Nhưỡng vẫn dự trữ đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như có khả năng sản xuất urani và plutoni để chế tạo thêm vũ khí.

Một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua tiết lộ phi hạt nhân hóa vẫn là một trong những ưu tiên của Trump tại hội nghị thượng đỉnh lần hai với Kim. Tổng thống Mỹ cũng có thể nêu ra những kết quả tích cực mà Bình Nhưỡng có thể nhận được nếu tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa.

Ánh Ngọc

 

Chia sẻ bài viết qua email