BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh đái tháo đường, nhất là mới mắc bệnh có thể lo lắng vì phải vào khuôn khổ ăn uống, chú ý đến từng loại thức ăn, cảm giác sợ tăng đường huyết. Ngay cả người bệnh điều trị lâu năm vẫn có thể căng thẳng do dằn vặt, đau khổ vì bệnh, không kiểm soát được đường huyết, sợ kim tiêm, lo phải tiêm thuốc mỗi ngày...
Tăng đường huyết
Khi stress, cơ thể tiết ra các hormone stress như cortisol và adrenaline (các hormone căng thẳng). Những hormone này giúp tạo năng lượng cho cơ thể phản ứng lại với stress. Tuy nhiên, chúng cũng có tác dụng đối kháng insulin, làm giảm tác dụng kiểm soát đường huyết của insulin, dẫn đến lượng đường tăng lên trong máu. Nếu tình trạng căng thẳng không được giải quyết, người bệnh stress kéo dài thì lượng đường trong máu luôn ở mức cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng.
Ăn quá nhiều
Hormone cortisol có chức năng chuyển hóa chất béo và carbohydrate nên người bị stress có xu hướng ăn nhiều hơn để giải tỏa căng thẳng, dẫn đến tăng cân. Theo bác sĩ Thùy Dung, người thừa cân, béo phì có nguy cơ đái tháo đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường và khi mắc bệnh khó kiểm soát đường huyết hơn.
Nguy cơ trầm cảm
Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm có chung một căn nguyên là stress. Stress kích hoạt và gây xáo trộn hệ thống căng thẳng. Căng thẳng mạn tính kích hoạt trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận và hệ thần kinh giao cảm, làm tăng sản xuất cortisol ở vỏ thượng thận và sản xuất adrenalin, noradrenalin ở tủy thượng thận. Stress nặng kéo dài không chỉ giảm hiệu suất lao động, mất tập trung học tập mà còn tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm.
Bác sĩ Thùy Dung chia sẻ thêm, stress xuất hiện ở khoảng 40% bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Người bệnh trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 đến 60%. Ngược lại, người bệnh đái tháo đường bị căng thẳng, có thể dẫn đến trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn 3 lần ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và gấp 2 lần ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 so với dân số chung. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh đái tháo đường có tỷ lệ trầm cảm cao hơn từ 2-3 lần so với thanh niên khỏe mạnh.
Trầm cảm và lo âu làm xấu đi tiên lượng của bệnh đái tháo đường, dẫn đến tình trạng không tuân thủ khi điều trị tăng, giảm chất lượng cuộc sống và tử vong cũng cao hơn. Người bệnh sử dụng nhiều nhóm thuốc chống trầm cảm làm tăng đáng kể đường huyết.
Rối loạn nội tiết
Căng thẳng mạn tính gây ra rối loạn chức năng miễn dịch, làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm. Tình trạng viêm tương tác với hoạt động bình thường của tế bào β tuyến tụy, gây ra đề kháng insulin, thúc đẩy bệnh đái tháo đường type 2. Các cytokine tiền viêm có thể ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất dẫn truyền thần kinh, chức năng nội tiết thần kinh... Những mối tương quan này cho thấy rằng căng thẳng thúc đẩy trầm cảm và đái tháo đường type 2.
Theo bác sĩ Thùy Dung, người bệnh khi được chẩn đoán đái tháo đường cần bình tĩnh, bởi cần tuân thủ điều trị, chế độ ăn uống, tập thể dục... có thể kiểm soát tốt đường huyết, có cuộc sống bình thường. Người nhà nên động viên, an ủi, không đổ lỗi, quy tội cho người bệnh vì chế độ ăn uống, lối sống không lành mạnh dẫn đến đái tháo đường. Nếu người bệnh stress, cảm thấy đau khổ thì bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường phối hợp bác sĩ tâm lý tìm giải pháp điều trị bệnh lẫn sức khỏe tinh thần.
Đinh Tiên