Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, quản lý tình trạng bệnh, sự dao động của đường huyết khiến người bệnh tiểu đường gặp nhiều triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm
Để quản lý tình trạng bệnh và giữ lượng đường trong máu ổn định, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp điều trị, chế độ ăn uống, tập luyện. Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt giúp kiểm soát đường huyết. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, dẫn đến trầm cảm.
Một số biểu hiện trầm cảm ở người tiểu đường như thiếu quan tâm đến các hoạt động, rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, khó tập trung, mất năng lượng, lo lắng, yếu đuối và buồn bã. Đôi khi người bệnh cũng trở nên cáu kỉnh, tức giận và có thể trầm cảm đến mức có ý nghĩ tự tử. Trầm cảm làm cho hiệu quả học tập, công việc kém, ngại giao tiếp, dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm sút. Tình trạng này có thể điều trị thông qua quản lý căng thẳng bằng liệu pháp tâm lý và thuốc.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một nhóm triệu chứng sức khỏe tâm thần gây ra cảm giác hồi hộp và lo lắng dai dẳng. Kiểm soát bệnh lâu dài là nguyên nhân chính gây rối loạn lo âu ở người tiểu đường. Theo CDC Mỹ, 1/5 người tiểu đường type 2 và 1/6 người tiểu đường type 1 thường mắc các triệu chứng rối loạn lo âu từ trung bình đến nghiêm trọng. Thường khó chẩn đoán rối loạn lo âu ở người tiểu đường vì dễ nhầm với hạ đường huyết. Các triệu chứng có thể là lo lắng quá mức và dai dẳng, hoảng sợ, cáu kỉnh, lú lẫn, đổ mồ hôi, giấc ngủ bị gián đoạn.
Phương pháp điều trị thường là liệu pháp tâm lý, thuốc; duy trì hoạt động thể chất; thực hành các kỹ thuật thư giãn và cải thiện giấc ngủ.
Các tình trạng sức khỏe tâm thần khác
Khi lượng đường trong máu thấp, người bệnh có thể hoang mang, hồi hộp, lo lắng, thiếu động lực do mệt mỏi, thiếu tập trung và khó ra quyết định... Đôi khi người bệnh cũng trở nên hung hăng, cáu kỉnh hoặc thiếu kiên nhẫn, thay đổi tính cách và hành vi.
Cơ thể giải phóng hormone adrenaline giúp người bệnh phục hồi sau giai đoạn hạ đường huyết, mang lại trạng thái xung đột, hỗn loạn về tinh thần gọi là cơn sốt adrenaline. Khi phản ứng này được kích hoạt gây chóng mặt, thay đổi tầm nhìn, người bệnh có cảm giác lâng lâng, bồn chồn hoặc cáu gắt. Khi đường huyết cao, người bệnh cũng gặp các triệu chứng như khó tập trung do nhìn mờ, thiếu năng lượng và động lực do mệt mỏi...
Tất cả những yếu tố trên đều khó điều hướng và làm căng thẳng các mối quan hệ với người xung quanh. Mắc bất kỳ bệnh mạn tính nào đều làm người bệnh cảm thấy thất vọng và căng thẳng, mệt mỏi có thể dẫn đến xung đột. Hiểu được tác động của tiểu đường với sức khỏe tâm thần, người thân nên hỗ trợ người bệnh củng cố các mối quan hệ. Các mối quan hệ thân mật, tốt đẹp cũng góp phần cải thiện kết quả điều trị bệnh.
Người tiểu đường nên thường xuyên chú ý đến cảm xúc, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân như nhắc uống thuốc, theo dõi đường huyết hay hoạt động thể chất cùng nhau để giảm bớt căng thẳng. Bạn có thể nói chuyện với người bệnh khác để tìm lời khuyên, dành thời gian giải trí để nâng cao tinh thần. Nếu nhận thấy thay đổi tâm trạng nhanh chóng, sức khỏe tâm thần không ổn định thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)