Theo Medical News Today, chế độ ăn ít carb (đường và tinh bột) là một trong những chiến lược giúp quản lý bệnh tiểu đường có thể không cần dùng thuốc. Carb làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn các loại thực phẩm khác. Giảm lượng carb có thể giúp ổn định đường huyết, phòng tránh một số biến chứng của tiểu đường như bệnh tim, huyết áp cao.
Nghiên cứu của Đại học Alabaman (Anh) chỉ ra ăn thực phẩm giàu carb khiến người bệnh cảm thấy đói hơn giữa các bữa ăn, thúc đẩy ăn nhiều làm tăng cân. Chế độ ăn ít carb giảm cảm giác thèm ăn, nhất là thèm ăn đường, hỗ trợ giảm cân. Chế độ ăn này cung cấp nhiều năng lượng hơn, có thể làm giảm mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng (HbA1c), giảm nguy cơ hạ đường huyết và cholesterol.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, nhu cầu carb của mỗi người thay đổi theo mức độ hoạt động, cân nặng, mục tiêu sức khỏe và các yếu tố khác. Tùy vào tình trạng bệnh mà mỗi người có thể lựa chọn chế độ ăn phù hợp và nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Có 3 chế độ ăn ít carb phổ biến. Chế độ ăn kiêng rất ít carb thường gồm 30 g hoặc ít hơn mỗi ngày. Ăn kiêng low-carb (ít carb) gồm 130 g carb trở xuống và chế độ ăn kiêng carb vừa phải 130-225 g carb mỗi ngày.
Trong chế độ ăn ít carb, hàm lượng calo nên được tiêu thụ từ các nguồn tự nhiên, lành mạnh. Thực phẩm nên ăn theo chế độ này gồm: tăng protein nạc (trứng, cá, các loại hạt và đậu phụ), chất béo tốt (dầu ô liu hoặc quả bơ), trái cây với lượng vừa phải và rau. Người bệnh phải hạn chế ăn trái cây chứa nhiều đường. Các loại thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế như: thực phẩm chế biến sẵn (đồ ăn đóng gói và đồ ăn nhẹ mặn), thực phẩm giàu đường (bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, nước trái cây), tinh bột (bánh mì trắng, mì ống trắng), rau giàu tinh bột (khoai tây...), đồ uống có cồn, đồ chiên rán.
Dưới đây là một số gợi ý cho chế độ ăn low-carb mà người bệnh tiểu đường.
Bữa sáng: Trứng luộc, pho mát ít muối, quả bơ cắt lát, sinh tố giàu chất xơ (bơ, quả mọng và chuối), sữa chua ít chất béo, trứng và rau xào bằng dầu ô liu.
Bữa trưa và bữa tối: Gà nướng, cá hồi hay cá ngừ nướng, cơm súp lơ với rau và đậu phụ, salad với các loại hạt, bánh mì kẹp thịt hoặc bánh mì kẹp phô mai, mì ống nguyên hạt với rau hoặc cá...
Với chế độ ăn này, người bệnh nên chọn món ăn nhẹ là quả hạch, chocolate đen, một ít khoai tây chiên với sốt đậu gà, thịt bò khô, phô mai sợi, táo với bơ đậu phộng...
Nếu không có kế hoạch phù hợp, chế độ ăn ít carb có thể khiến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trở nên khó khăn hơn. Theo chế độ ăn ít carb, ăn một lượng lớn protein có thể đẩy nhanh quá trình tổn thương thận nếu đã mắc bệnh thận. Với chế độ ăn này, người bệnh có thể gặp rủi ro như loãng xương khiến xương dễ gãy; thiếu hụt chất xơ, vitamin và khoáng chất; động mạch bị tắc. Để phòng tránh, người bệnh không nên ăn quá nhiều protein từ thịt chế biến sẵn (thịt nguội, thịt đóng hộp) và thịt đỏ. Tăng cường trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để không thiếu hụt chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Duy trì chế độ ăn ít carb trong thời gian dài cũng có thể làm người bệnh thiếu năng lượng, ủ rũ hoặc khó tập trung. Mọi người nếu muốn thử chế độ ăn ít carb để kiểm soát bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)