Ngày 21/4, chị Phương Anh, 39 tuổi, hạnh phúc ôm con gái đầu lòng sau 10 năm hiếm muộn, mang thai và vượt cạn cam go.
Sau khi kết hôn, chị Phương Anh kế hoạch ba năm đầu rồi thả để có thai nhưng không có tin vui. Đi khám hiếm muộn, chị phát hiện có u xơ tử cung, kích thước khoảng 5x4 cm, chưa cần can thiệp.
Năm 2023, vợ chồng chị đến bệnh viện thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI). Lúc này u xơ đã tăng kích thước 10x15 cm, rất khó mang thai, nhưng chị may mắn đậu thai. Khi thai 5 tháng, khối u cũng lớn dần gây đau, xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bạch cầu tăng gấp 3 lần bình thường, nghi ngờ có nhiễm trùng.
Chị được chẩn đoán u xơ tử cung to bị thoái hóa, nhiễm trùng phải điều trị kháng sinh 10 ngày. Bác sĩ lo ngại sau sinh phải cắt bỏ tử cung, tuy nhiên nguyện vọng của chị và gia đình muốn bảo tồn tử cung để sau này có thêm con.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u xơ tử cung rất to nằm vị trí tiền đạo, nguy cơ chị Phương Anh sinh khó do thai không quay đầu, phải sinh mổ.
"Trường hợp này, cắt bỏ tử cung sau mổ lấy thai cũng nguy hiểm đến tính mạng nếu khối u cắm chặt, cắm sâu và dính nhiều vào các mạch máu lớn vùng chậu", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Hội chẩn trước mổ, bác sĩ Mỹ Nhi đưa ra hai phương án. Một là mổ đón bé trước, 3-6 tháng sau mổ sẽ đánh giá lại khối u và có thể mổ bóc u cho mẹ. Phương án hai là bóc tách u luôn trong cuộc mổ sinh nếu thuận lợi song việc bóc khối u trong cùng cuộc mổ lấy thai dễ gây chảy máu mất kiểm soát, nguy cơ cắt bỏ tử cung, thậm chí khó giữ tính mạng của người bệnh.
Khi thai đủ 39 tuần, chị Phương Anh sinh mổ. Bác sĩ Mỹ Nhi chọn đường mổ dọc giữa bụng, trên rốn 2 cm, kiểm tra u xơ tử cung rất to, nằm lệch về bên phải, u không bị dính và không tăng sinh mạch máu. Sau 3-5 phút từ khi rạch da, bé gái nặng 3,4 kg chào đời an toàn. Sau đó, ê kíp mổ kiểm tra, đánh giá có thể bóc tách khối u.
Do u hình thành cách đây 7 năm, nên nay phát triển lớn, thoái hóa bên trong. Sau 120 phút, bác sĩ hút 500 ml dịch nhầy, sau đó cẩn trọng bóc trọn khối u to kích thước 20x25 cm ra ngoài.
"Đây là một trong các ca mổ khó trong nhiều năm làm nghề của tôi", bác sĩ Mỹ Nhi nói, thêm rằng thành công lớn của ê kíp là sản phụ hiếm muộn được bảo tồn tử cung, không phải truyền máu trong và sau mổ. Như vậy, chị có thể tiếp tục mang thai về sau.
U xơ tử cung hình thành từ mô liên kết và cơ trơn tử cung, có thể to lên theo thời gian hoặc khi phụ nữ mang thai. U gây ra triệu chứng chèn ép gây sảy thai, sinh non, ngôi thai bất thường và trở thành u tiền đạo.
U xơ tử cung thường lành tính. Tuy nhiên, phụ nữ có u nên đi khám kiểm tra ít nhất 6 tháng một lần. Trường hợp phát hiện u trong thai kỳ cần được bác sĩ theo dõi, tư vấn và có kế hoạch điều trị kịp thời.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |