Ngày 6/9, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé chào đời ở tuần 39, nặng 2,4 kg, suy dinh dưỡng do máu nuôi thai nhi bị chia một phần để nuôi khối u.
Chị Thư biết có khối u đa xơ nhỏ ở tử cung từ hai năm trước, không cần can thiệp. Khi chị mang thai, u phát triển to như bào thai ba tháng, nằm ở vị trí tiền đạo chắn cổ tử cung. Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh dự phòng nguy cơ sẩy thai, sinh non cho thai phụ do u xơ tử cung chèn ép.
Gần cuối thai kỳ, u càng phát triển, to nhất đường kính 10 cm, chắn cửa thai nhi chào đời. Tử cung biến dạng, thai nhi không thể quay đầu, có dấu hiệu chậm tăng trưởng.
Ê kíp đánh giá đây là trường hợp phức tạp do nhiều khối u xơ nằm ở vị trí gây khó khăn cho chuyển dạ, sản phụ nguy cơ cao băng huyết sau sinh. Nếu bóc khối u sau mổ lấy thai, sản phụ có nguy cơ mất máu nhiều do cuộc mổ kéo dài, phải cắt bỏ tử cung. Trường hợp không can thiệp, người mẹ bị bế sản dịch, nhiễm trùng niêm mạc tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Các bác sĩ chuẩn bị kỹ phương án mổ hai thì cho sản phụ vào tuần thai thứ 39. Đầu tiên ê kíp mổ lấy thai nhi an toàn, sau đó tiếp tục bóc tách 25 khối u ở eo tử cung, mặt trước, mặt sau, trong lòng tử cung. Sản phụ mất 700 ml máu, được truyền hồng cầu bổ sung. U lớn khiến tử cung gấp khúc, phải khâu phục hồi.
Hậu phẫu, sức khỏe sản phụ ổn định, được theo dõi chặt chẽ phòng nguy cơ băng huyết, nhiễm trùng.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết phụ nữ mang thai, nội tiết tố nữ estrogen thay đổi, liên quan đến sự hình thành và phát triển của khối u xơ. Thai phụ có thể đối mặt với nguy cơ sẩy thai, sinh non, chuyển dạ khó khăn, băng huyết, nhiễm khuẩn sau sinh...
Nếu mắc u xơ tử cung, mẹ bầu nên theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Một số trường hợp cần dùng thuốc giảm cơn co thắt tử cung do khối u gây ra. Một số khối u lớn, không thể bóc tách, bác sĩ loại bỏ khối u cho người mẹ sau 6-12 tháng sau sinh.
Tuệ Diễm - Hoài Thương
Độc giả đặt câu hỏi mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |