Virus cúm xâm nhập vào cơ thể, tấn công hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng như sốt cao 39-41 độ C, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho khan, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy...
Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, gợi ý một số cách làm giảm triệu chứng, giúp cơ thể nhanh hồi phục khi mắc bệnh.
Uống đủ nước
Sốt cao, nôn, đổ mồ hôi do cúm khiến người bệnh dễ mất nước. Người trưởng thành nên uống khoảng khoảng hai lít nước mỗi ngày. Uống nước ấm giúp máu lưu thông tốt, giảm kích ứng, khô họng.
Ngoài nước lọc, nước điện giải, nước ép trái cây, rau củ, sinh tố ít đường cung cấp năng lượng, tăng sức đề kháng. Nước gừng, mật ong chanh giúp kháng khuẩn, giảm cảm giác buồn nôn, dịu cơn ho, đau họng.
Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới một tuổi để tránh ngộ độc. Một số người không dung nạp với đường sữa, uống sữa có thể làm đặc chất nhầy, tăng cảm giác buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Tránh sử dụng thức uống chứa cồn, caffeine như bia rượu, trà, cà phê, soda, nước ngọt có ga vì dễ gây mất nước, cản trở chức năng miễn dịch, kích hoạt phản ứng viêm.
Vệ sinh mũi họng
Người bệnh nên rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch vệ sinh mũi họng chuyên dụng 2-3 lần mỗi ngày, trong khoảng 5-7 ngày. Cách này giúp làm sạch khoang mũi họng, dịu cơn đau rát, sát khuẩn, kháng viêm.
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng
Khi nhiễm virus, cơ thể dùng toàn bộ năng lượng để chống lại nhiễm trùng. Người bệnh thường có cảm giác chán ăn, thay đổi khẩu vị. Bệnh cũng gây ảnh hưởng đến vị giác, khứu giác do sổ mũi, nghẹt mũi, khô miệng, giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, bỏ bữa, chế độ ăn không đảm bảo cân bằng dinh dưỡng... dễ khiến cơ thể suy kiệt, chậm phục hồi.
Người bệnh nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn cân bằng 4 nhóm dưỡng chất đạm, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất. Tăng cường bổ sung chất xơ qua hạt ngũ cốc, rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ, vàng để nâng cao miễn dịch. Nếu chán ăn, nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, phở. Tránh đồ ăn mặn, cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ.
Sử dụng gia vị có tính kháng khuẩn
Tỏi, gừng, quế, bạc hà có thể làm giảm triệu chứng cúm. Tỏi chứa hợp chất allicin có đặc tính kháng khuẩn, giảm nghẹt mũi và tăng cường miễn dịch. Gừng chống lại vi khuẩn miệng liên quan đến viêm nướu và viêm nha chu, chống lại nhiễm virus hợp bào hô hấp. Thêm quế, bạc hà vào đồ ăn, uống hỗ trợ giảm đau họng, nghẹt mũi.
Xông mũi họng
Bác sĩ Lan cho biết hít thở hơi nước nóng hoặc các loại tinh dầu xông mũi họng làm ẩm khoang mũi, họng, phế quản, loãng dịch nhầy, mềm vảy mũi, tắc nghẽn mũi, đờm hoặc viêm họng. Biện pháp này giúp cơ thể giảm giải phóng histamin, tăng lưu thông máu, đồng thời, ức chế khả năng nhân lên của virus trên tế bào biểu mô đường hô hấp. Cách này còn kích thích hệ thống miễn dịch, tăng sản xuất bạch cầu, cơ thể mau hồi phục.
Người bệnh có thể xông hơi 1-2 lần một ngày, khoảng 20 phút mỗi lần ở nơi kín gió với máy xông chuyên dụng, máy khuếch tán tinh dầu hoặc đun nồi nước nóng và dùng thêm khăn vải trùm kín đầu. Khi xông hơi, không để mặt gần sát với nước tránh bỏng. Chọn tinh dầu đảm bảo chất lượng, vệ sinh dụng cụ xông hơi thường xuyên.
Không lạm dụng xông hơi do có thể khiến cơ thể phản ứng, mất nước, rối loạn điện giải, tổn thương biểu mô đường hô hấp.
Sử dụng máy tạo ẩm
Ở lâu trong môi trường không khí có độ ẩm không phù hợp có thể khiến các triệu chứng cúm tăng nặng. Không khí khô gây mất nước, kích ứng đường thở, khiến ho, đau họng, ngạt mũi, khó thở nặng hơn.
Không khí ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn, nấm mốc, vi sinh vật phát triển, tăng nguy cơ bội nhiễm. Độ ẩm trong nhà nên duy trì ở mức 40-60%.
Bổ sung lợi khuẩn
Khoảng 70% thành phần hệ miễn dịch tập trung tại đường ruột. Bổ sung lợi khuẩn từ men vi sinh, sữa chua hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh, tăng cường trao đổi chất, hệ miễn dịch cải thiện.
Ngoài ra, vận động thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc nước rửa tay khô chứa cồn, làm sạch các bề mặt chạm vào, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ cũng giúp cải thiện sức khỏe. Thói quen này giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn khi mắc cúm.
Bác sĩ Lan cho biết người có sức đề kháng kém như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và sau sinh, người già từ 65 tuổi, béo phì (chỉ số BMI trên 40), suy giảm miễn dịch (cấy ghép nội tạng, mắc ung thư máu, nhiễm HIV/AIDS, sử dụng steroid kéo dài), mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, tim mạch dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm. Trong đó, viêm phổi được xem là biến chứng nặng nề nhất.
Ngoài ra, người mắc cúm cũng có khả năng bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, viêm não, viêm màng não...
Người bệnh có các biểu hiện sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật, có dấu hiệu mất nước cảnh báo bệnh đang chuyển biến nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để khám.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |