Đau họng là tình trạng khó chịu, đau rát tại vùng cổ họng. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm amidan, viêm thanh quản, viêm họng do vi rút hoặc vi khuẩn, hoặc do tình trạng thiếu nước khiến niêm mạc họng bị khô. Theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, Phó Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ngoài việc đi khám bác sĩ và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ, có nhiều phương pháp đơn giản, dễ thực hiện tại nhà có thể giúp giảm tình trạng đau họng.
Súc miệng bằng nước muối sinh lý
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị nên súc miệng bằng nước muối sinh lý khi bị đau họng. Bác sĩ Tam cho biết, súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày giúp giảm sưng viêm, làm lỏng chất nhầy, loại bỏ các chất kích thích hoặc vi khuẩn ra khỏi cổ họng.
Uống đủ nước
Theo bác sĩ Tam, khi cơ thể thiếu nước sẽ không sản xuất đủ nước bọt và chất nhầy để bôi trơn cổ họng. Điều này khiến tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy nặng hơn. Do đó bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể sẽ giúp giảm tình trạng đau họng. Bác sĩ lưu ý đồ uống ấm sẽ giữ ẩm các màng nhầy, làm dịu cổ họng, ngăn mất nước, tăng khả năng chống vi khuẩn giúp giảm nhanh cơn đau hơn so với đồ uống lạnh. Bên cạnh đó người bệnh cần tránh cafe và rượu vì có thể làm cổ họng khô hơn.
Sử dụng mật ong
Sử dụng mật ong là cách hiệu quả giúp giảm đau họng nhanh chóng. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Trị liệu Mỹ, mật ong với kết cấu đặc, sánh giúp làm dịu cổ họng, có đặc tính kháng khuẩn giúp chữa lành tổn thương nhanh hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Tam cảnh báo không nên cho trẻ dưới một tuổi dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc ở trẻ sơ sinh.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Khi cổ họng bị đau, việc ngồi trong phòng có không khí khô sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Để khắc phục, mọi người có thể sử dụng máy tạo độ ẩm. Mức độ ẩm trong phòng lý tưởng cho đường thở là từ 30-50%.
Dùng siro ho, viên ngậm hoặc thuốc xịt
Trong thành phần của các loại siro ho, viên ngậm hoặc thuốc xịt họng thường chứa tinh dầu bạc hà, có tác dụng giảm cơn đau, dịu cổ họng. Ngoài ra chúng còn góp phần tăng sản xuất nước bọt, giữ cho cổ họng luôn được bôi trơn, giảm đau rát. Tuy nhiên bác sĩ Mai Mạnh Tam lưu ý, không dùng viên ngậm cho trẻ dưới 2 tuổi; không lạm dụng thuốc ho, chỉ dùng khi cơn ho nhiều và gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Để ngăn ngừa tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây ra viêm đau họng, bác sĩ Tam khuyên người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc gần với người bị viêm họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác; không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Song song, mỗi người cần duy trì sức đề kháng bằng việc ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý và thường xuyên tập thể dục.
Bác sĩ Tam khuyến cáo, người bệnh cần sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi tình trạng đau họng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn một tuần, sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, có máu trong nước bọt hoặc đờm, đau hàm, tai khi nuốt, buồn nôn hoặc nôn mửa...
Mai Linh